Biến đổi khí hậu và xung đột tại Biển Đỏ đang làm gián đoạn nguồn cung đồ uống từ các nước Nam Bán cầu.
Ca cao có nguy cơ thiếu hàng. Ảnh: Breakingviews
Tuần trước, thương hiệu sản xuất đồ uống Tetley thừa nhận dự trữ các loại chè của hãng đang thấp hơn dự kiến, do ảnh hưởng của xung đột tại Biển Đỏ.
Mặc dù hoạt động sản xuất tại Ấn Độ và Kenya không gặp nhiều vấn đề, song các sản phẩm chè mất nhiều thời gian hơn để vận chuyển do các tàu container chuyển hướng khỏi Kênh đào Suez và quanh Mũi Hảo Vọng.
Không chỉ chè, ca cao có thể trở thành mặt hàng tiếp theo có nguy cơ thiếu hụt. Giá bột ca cao và sô cô la nóng tại các cửa hàng ở Anh đã tăng 25% trong một năm tính đến tháng Một (cao hơn cả bánh kẹo).
Giá ca cao kỳ hạn đang ở mức kỷ lục khi Tây Phi, khu vực cung ứng nhiều ca cao nhất, đang chịu ảnh hưởng do thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh cây trồng. Nhiều người trong số 6 triệu nông dân trồng ca cao trên toàn cầu đang phải đối mặt với khó khăn.
Giá thực phẩm và đồ uống nhìn chung đều tăng mạnh song tình trạng gián đoạn nguồn cung ca cao và chè là biểu tượng cho sự mong manh của toàn cầu hóa, quá trình sản xuất và vận chuyển các sản phẩm tiêu dùng từ Nam Bán cầu đến châu Âu và Mỹ.
Kênh đào Suez có thể sẽ hoạt động trở lại bình thường trong thời gian tới, nhưng tuyến đường thương mại quan trọng này sẽ vẫn trở thành mục tiêu hấp dẫn của các vụ tấn công. Kênh đào Panama cũng phải hạn chế hoạt động đi lại do hạn hán. Bên cạnh đó, việc đảm bảo điều hướng an toàn và dễ dàng cho những con tàu chất đầy hàng cũng gặp khó khăn hơn.
Ngoài ra, hàng hóa nông nghiệp cũng gặp nhiều biến động, năm được mùa, năm mất mùa khi biến đổi khí hậu làm tăng rủi ro và gây khó khăn cho nông dân.
Các “đế chế” cà phê, ca cao và chè đều trở nên mong manh do biến đổi khí hậu và sự gián đoạn của các tuyến thương mại toàn cầu. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa của các siêu thị.