Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết nguyên nhân vụ rơi cánh quạt thuộc về lỗi kỹ thuật, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp sớm khắc phục sự cố, hoạt động trở lại.
Hiện trường vụ rơi cánh quạt điện gió. (Ảnh: Hồng Đào/TTXVN phát)
Liên quan đến sự cố tuabin điện gió thuộc Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) bị rơi cánh quạt, sáng 4/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, nguyên nhân vụ rơi cánh quạt thuộc về lỗi kỹ thuật, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp sớm khắc phục sự cố, hoạt động trở lại.
Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) là Công ty Cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu cho biết, vào khoảng 17 giờ ngày 1/3, tại trụ tuabin gió WT08, nằm tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) đã xảy ra sự cố rơi cánh quạt của trụ.
Công ty đã khẩn cấp liên lạc, báo cáo đến đến chính quyền địa phương và Công an huyện Hòa Bình; đồng thời huy động các lực lượng, phong tỏa hiện trường, khẩn trương khắc phục. Rất may là sự cố không gây thiệt hại về người. chủ đầu tư bị thiệt hại 200 tỷ đồng,
Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Bình cho biết, ngay sau sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường để nằm bắt tình hình, phối hợp với doanh nghiệp khắc phục hậu quả.
Ông Linh đánh giá cao doanh nghiệp đã nhanh chóng khắc phục sự cố rơi cánh quạt, đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân sự việc.
Ông Linh đề nghị về lâu dài, doanh nghiệp cần định kỳ kiểm tra để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và hoạt động, tránh các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai để đảm bảo an toàn tài sản của doanh nghiệp và người dân.
Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5, giai đoạn 1 được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 17/9/2020, với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu là chủ đầu tư.
Dự án có công suất 80 MW, được xây dựng trên 28 ha với 26 trụ tuabin gió, công suất từ 3,0-3,3-4.2 MW/tuabin, cao trên 140m, sản lượng khai thác bình quân là 280 triệu kWh/năm.
Đây là dự án điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong lĩnh vực sử dụng nguồn năng lượng sạch để sản xuất điện năng./.