Chiều ngày 13/4, tại Trung tâm Văn hoá – Thể thao, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), UBND tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức Hội nghị Truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên cả nước đã có nhiều khởi sắc, trong đó, sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung từng bước phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được củng cố và phát huy; môi trường nông thôn ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững.
Đặc biệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã ghi nhận và đánh giá Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới trong hơn 12 năm qua là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.
Phát biểu tại chương trình, Ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nêu rõ: “Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới Ban chỉ đạo Trung ương đã xác định truyền thông là một giải pháp quan trọng vừa song hành, vừa đi trước chỉ đạo hướng dẫn, lan tỏa và phản ánh thực hiện nâng cao hiệu quả chất lượng chương trình.”
Ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cũng nhấn mạnh: “Để đạt được kết quả to lớn như vậy là sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở của các cấp các ngành, các lực lượng xã hội và toàn thể người dân. Cùng với đó là sự đóng góp đầy trách nhiệm của các cơ quan Thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình từ Trung ương đến địa phương.”
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, công tác truyền thông vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế cần tìm giải pháp khắc phục như một số nơi chưa quan tâm đúng mức tới công tác bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ truyền thông; nhiều địa phương còn lúng túng và tự phát trong xây dựng kế hoạch truyền thông hoặc chưa được quan tâm đúng mức…
Một số còn mang tính hình thức, đối phó, chưa có tính sáng tạo. Có nơi, cơ quan thường trực chương trình chưa có sự đa dạng trong công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông, chưa mạnh dạn trong quá trình xã hội hóa với các doanh nghiệp truyền thông độc lập để thực hiện các format chương trình truyền thông mang tính mới lạ; nhiều địa phương chưa khai thác tối đa và hiệu quả các kênh truyền thông hiện đại, đặc biệt là khả năng truyền thông và lan tỏa của các mạng xã hội…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về những kinh nghiệm tuyên truyền, phân tích những khó khăn, tồn tại cũng như những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ như: Phát động đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; phát động nhắn tin ủng hộ phụ nữ biên cương với mục tiêu chung tay xây dựng được ít nhất 130 mô hình sinh kế, Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đề nghị Văn phòng Điều phối Nông thôn mới các tỉnh, thành phố cần bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình truyền thông đã được phê duyệt, chủ động phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí, hằng năm tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành kế hoạch truyền thông và chỉ đạo thực hiện theo hướng rõ chủ đề, rõ việc, rõ đối tượng tuyên truyền; đa dạng hóa nội dung và phương thức tuyên truyền; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các ngành; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát công tác truyền thông ở các cấp.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông ở địa phương cần quan tâm, ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng và thường xuyên lồng ghép trong định hướng tuyên truyền hằng tháng cho các các cấp, các ngành ở địa phương; xác định rõ nội dung, hình thức tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, tiêu chí, lộ trình, các bước triển khai xây dựng nông thôn mới; cổ vũ, khích lệ các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn.
Các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương cần chú trọng nhiều hơn đến việc đưa phóng viên thâm nhập thực tiễn cơ sở, từ đó, có cơ hội để có nhiều thông tin, hình ảnh để phản ánh sống động hoạt động xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, mỗi đơn vị; bên cạnh đó, cần có những chuyên đề phản ánh hiệu quả, sự lan tỏa, tác động của những tiêu chí nông thôn mới đối với cuộc sống của người dân, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Giai đoạn 2023 – 2025 mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng “Phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”