Cửa sáng thu hút dòng vốn ngoại

Với các hoạt động ký kết, trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sôi động ngay từ những ngày đầu năm, thu hút vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt kết quả ấn tượng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm nay để thu hút đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả cần giữ ổn định của môi trường đầu tư. Đồng thời, lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, có 405 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 55,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, sự tăng mạnh về số dự án cùng sự xuất hiện của dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết: Môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng với các công ty mẹ của Nhật Bản.

Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về môi trường kinh doanh vừa được công bố vào tháng 1/2024 cũng cho thấy, trong 1 – 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7%. Đây là những “cửa sáng” quan trọng cho triển vọng thu hút FDI năm 2024.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm nay, Việt Nam có thể sẽ đối mặt với những thách thức trong việc thu hút dòng vốn FDI. Đó là, bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng.

Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản – nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng tiền của Hàn Quốc, Nhật Bản bị mất giá từ 20-25% nên ảnh hưởng đến đầu tư ra nước ngoài của hai đối tác lớn nhất này. Không những thế, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.

Việc các nước tiến tới áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi vai trò của những hình thức ưu đãi truyền thống (như ưu đãi về thuế, đất đai…) trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn hạn chế ảnh hưởng đến tiến trình thuận lợi hóa môi trường đầu tư.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, các ngành cần ưu tiên thu hút, tạo sự phát triển đột phá tại Việt Nam như: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng… chưa có cơ chế tương xứng để thu hút đầu tư. Mặc dù, một số chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành song kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng. Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương chưa được giải quyết triệt để dẫn đến nguy cơ gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ trong ngắn hạn.

Để tăng thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu; trong đó, đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số…

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như: đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan…. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới.


Trong 1 – 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7%. Ảnh minh họa: TTXVN

Về phía địa phương, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục kiên trì với giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

“Tỉnh sẽ nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư để nâng cao hình ảnh; lắng nghe, giải quyết nhanh nhất vướng mắc và đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện hồ sơ, thủ tục”, ông Mai Sơn cho hay.

Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng, phía các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế – xã hội. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Các địa phương cũng lựa chọn những lĩnh vực đột phá như: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung tâm tài chính, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo… Từ đó, định vị các tập đoàn đa quốc gia tiềm năng có công nghệ, có nguồn lực tài chính trong các lĩnh vực để chủ động tiếp cận, trao đổi và mời gọi đầu tư vào Việt Nam.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top