Việc quản lý nguồn vốn và quản lý sử dụng vốn cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội do Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện.
Dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai). (Ảnh: Công Phong/TTXVN)
Căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong từng thời kỳ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay ưu đãi.
Theo kế hoạch, mức lãi suất không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ. Đây là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến tại Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2023 có 13 chương và dành 1 chương (Chương VI) quy định về chính sách nhà ở xã hội; trong đó, giao Chính phủ quy định chi tiết về các liên quan.
Việc hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở (khoản 5 Điều 77); vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển nhà ở xã hội (khoản 4 Điều 117).
Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ căn cứ vào kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm, Ngân sách Nhà nước cấp 100% nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay đối với các đối tượng thụ hưởng theo quy định.
Căn cứ vào kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm, Ngân sách Nhà nước cấp 50% nguồn vốn. Ngân hàng Chính sách Xã hội đáp ứng 50% nguồn vốn từ tiền gửi tiết kiệm của người vay, vốn huy động; Ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định để cho vay đối với các đối tượng quy định.
Nguồn vốn ủy thác từ quỹ phát triển nhà ở địa phương (nếu có), ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái nhà ở và từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để thực hiện mục tiêu, kế hoạch nhà ở xã hội tại địa phương theo quyết định của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong từng thời kỳ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay ưu đãi.
Mức lãi suất đề xuất tại Dự thảo Nghị định là không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.
Ngoài ra, Chính phủ sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay nhà ở xã theo quy định.
Việc quản lý nguồn vốn và quản lý sử dụng vốn cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội do Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện. Việc xử lý nợ bị rủi ro thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng hướng dẫn cụ thể về cơ chế huy động tiết kiệm và nội dung liên quan đến cho vay ưu đãi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV), muốn bền vững và có được lãi suất thực sự ưu đãi, phù hợp hơn nữa với người mua nhà, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ thì Chính phủ cần lập một quỹ phát triển nhà ở xã hội.
Lãi vay từ quỹ phát triển nhà ở xã hội thông thường bằng một nửa lãi suất cho vay thương mại bình quân trên thị trường là phù hợp. Quỹ này cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò vốn mồi mà một số quốc gia như Hàn Quốc, Singapore đã làm.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhận xét gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thường có mức lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại là hợp lý. Như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8-5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hằng năm.
Do đó, nếu có nguồn cung nhà ở xã hội thì người mua, thuê mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ mong chờ và lựa chọn mức vay ưu đãi này để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Hiện tâm lý của người thu nhập thấp tại đô thị đang rất mong chờ có chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội và nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu – ông Lê Hoàng Châu chia sẻ./.