Luật Đất đai sửa đổi: Hút kiều hối vào bất động sản, vẹn cả đôi đường

Những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, giúp kiều bào thuận lợi hơn khi muốn sở hữu tài sản là bất động sản trong nước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối cũng là một nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong 10 năm qua.

Những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, giúp kiều bào thuận lợi hơn khi muốn sở hữu tài sản là bất động sản trong nước.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định mở rộng quyền của người sử dụng đất đối với nhóm đối tượng sử dụng đất là người Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước là đối xử với công dân Việt Nam không phân biệt nơi cư trú, nơi sinh sống.

Chính sách này vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của kiều bào muốn gắn bó với quê hương và còn góp phần vào việc huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam. Như vậy, vẹn cả đôi đường – ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Số liệu từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó trên 80% tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên.

Theo các luật sư, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua có nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài.

Tại điều 4, quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều). Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).

Cùng đó, trong luật mới, điều 28 cũng quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà – điều mà luật hiện hành không có những quy định này.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận xét, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản là Việt kiều. Thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều.

Lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD. (Ảnh: Vietnam+)

Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng. Vì thế, trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp tranh chấp pháp lý không đáng có. Nhưng với Luật Đất đai mới thì sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư – ông Troy Griffiths phân tích.

Đánh giá về tiềm năng “rót vốn” vào bất động sản của phân khúc khách hàng này, ông Troy Griffiths cho rằng, hiện đang có rất nhiều người Việt lớn tuổi đã di cư ra nước ngoài suốt một thời gian dài. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định tiền và cân nhắc đầu tư lại vào Việt Nam bởi thậm chí nhiều người trong số đó tính đến việc quay trở về.

Không những vậy, ngay cả những người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài cũng không ít người mong muốn có tích lũy tài sản để trở về mua bất động sản trong nước. Đây cũng chính là một phân khúc nhà đầu tư rất giàu tiềm năng. Bởi theo truyền thống, người Việt Nam thường rất coi trọng giá trị gia đình.

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ.

Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ dẫn đầu do là quốc gia có số lượng người Việt nhập cư và sinh sống nhiều nhất; tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Những con số này cho thấy, đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với Việt Nam. Đáng chú ý, nhu cầu về kiều hối đối với lĩnh vực bất động sản đã được ghi nhận.

Thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, năm 2016, có khoảng 15-20% số tiền đó được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu tính toán nhanh, chỉ riêng con số này có thể lên tới khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm.

Ngoài ra, ông Troy Griffiths phân tích thêm, trong thời gian qua, nguồn vốn này cũng đã ghi nhận có sự chuyển đổi từ đầu tư trực tiếp vào bất động sản sang mở rộng đầu tư doanh nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không riêng Ngân hàng Thế giới mà nhiều tổ chức quốc tế khác đều dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn CEO cho rằng, Việt Nam cần hành động để cải thiện môi trường đầu tư. Bởi khi người nước ngoài biết đến Việt Nam nhiều hơn, họ sẽ đến để tìm hiểu cơ hội.

“Khi đã hiểu về ‘sân chơi’ rộng mở, bình đẳng và ‘luật chơi’ cân bằng giữa quản lý và thúc đẩy phát triển, minh bạch, công bằng, dễ đoán định thì ‘người chơi’ sẽ đến. Như vậy, ngành bất động sản mới hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài và đóng góp vào sự thành công của Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030,” ông Đoàn Văn Bình khẳng định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, để đạt được các mục tiêu như kỳ vọng, thời gian tới Việt Nam vẫn cần xây dựng thêm những giải pháp trọng tâm, có “sức nặng” hơn nữa nhằm hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top