“Thời tới”, xuất khẩu gạo lấy đà tăng tốc

6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí đột biến ở những thị trường mới, thương nhân và doanh nghiệp cần tận dụng tốt thời cơ này để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo đột biến ở một số thị trường mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị.

Hoạt động xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí đột biến ở những thị trường mới.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 772 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022. Gạo Việt Nam chiếm tới 89,6% tổng giá trị nhập khẩu gạo của quốc gia này.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau một thời gian dài sụt giảm đến nay cũng bật tăng mạnh. Tính đến hết tháng 5/2023, quốc gia này đã chi 364,2 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, xuất khẩu sang Indonesia cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến 1.520% so với cùng kỳ năm 2022, với kim ngạch đạt 181,4 triệu USD. Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn thứ ba, chỉ sau Philippines và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Chile và Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 tháng đầu năm đã tăng vọt lần lượt là 2.930% và 12.843% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí đột biến ở những thị trường mới

Hoạt động xuất khẩu gạo Quý II/2023 tiếp tục là “điểm sáng” với nhiều kết quả tích cực, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng, gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, gạo cao cấp và tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, giảm tỉ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.

Giá gạo xuất khẩu đang trong xu hướng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một trong số những nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam neo cao kỷ lục có thể do hiện tượng El Nino kéo theo những điều kiện thời tiết nóng và khô hơn sẽ khiến lượng dự trữ gạo của thế giới giảm 5%, xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ này, gây hậu quả nghiêm trọng đối với vựa lúa gạo châu Á.

“Trái ngọt” từ nỗ lực xúc tiến của doanh nghiệp

Những điểm sáng trong bức tranh 6 tháng có lực đẩy từ bối cảnh quốc tế thuận lợi khi nguồn cung gạo giảm, song cũng cho thấy hiệu quả từ hoạt động xúc tiến mạnh mẽ của doanh nghiệp đến hàng loạt thị trường xuất khẩu thời gian qua.

Tập đoàn Lộc Trời đã thành công đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị của Pháp cũng như thâm nhập thị trường EU khó tính (Ảnh: loctroi.vn)

Năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường châu Âu hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA. Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo. 

Không dừng lại ở đó, chỉ hai năm sau, với sự hỗ trợ, kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Lộc Trời đã thành công đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị của Pháp cũng như thâm nhập thị trường EU khó tính. Cho tới nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đạt được thành công này tại châu Âu.

Kết quả, năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào EU, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Ngay từ tháng 10/2022, Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời khẳng định đây sẽ là tiền đề để Tập đoàn đem thương hiệu gạo Việt Nam ra chinh phục thị trường thế giới.

“Một ngày không xa, gạo “Cơm Việt Nam Rice” của Lộc trời và gạo thương hiệu Việt Nam sẽ được đặt vào vị trí nổi bật nhất tại những điểm bán thuộc các hệ thống siêu thị toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của lúa gạo và nông sản Việt trên toàn thế giới”, ông Nguyễn Duy Thuận nhấn mạnh.

                                                           Gạo Trung An đang tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia phát triển như EU, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… (Ảnh: trunganrice.com)

Đối với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An), từ tháng 6/2021, Công ty đã mở Văn phòng đại diện tại Hamburg, Đức để các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu dễ dàng tiếp cận sản phẩm mang thương hiệu Trung An.

“Thực tế chỉ sau 2 tháng, lượng khách hàng châu Âu đến mua sản phẩm tăng khá nhiều”, đại diện Gạo Trung An cho hay.

Năm 2022, doanh thu xuất khẩu gạo đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An; trong đó, thị trường Hàn Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 52% doanh thu xuất khẩu của công ty. Gạo Trung An đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng gạo của công ty sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu có giá trị gia tăng cao.

Để đạt được mục tiêu này, Gạo Trung An cho biết đang tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia phát triển như EU, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… Đây được xem là những thị trường khó tính nhưng có tỷ suất biên lợi nhuận cao và công ty có thể tận dụng tối đa thế mạnh về cơ sở sản xuất đầu tư bài bản cùng quy trình kiểm soát chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Đáng chú ý, Gạo Trung An sẽ chuyển dần từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu, đưa sản phẩm vào các siêu thị tại những nước phát triển. Các thị trường công ty dự định phát triển đầu tiên theo hình thức này gồm: Saudi Arabia, Đức, Australia và Hoa Kỳ.

Tận dụng thời cơ, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu gạo

Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo, tận dụng thời cơ, cơ hội thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cơ cấu lại chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu… để cung cấp cho thị trường sản phẩm gạo Việt Nam tốt hơn.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết của Việt Nam cũng như nước bạn để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các Hiệp định thương mại.

Đồng thời, phát huy vai trò liên kết giữa các thương nhân để định hướng xuất khẩu, chủ động đàm phán, giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả, nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt Nam tại một số thị trường tiêu thụ lớn.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hoá cho người nông dân với giá có lợi.

Lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân (nếu cần).

Theo: Tạp chí Công Thương
Spread the love
Back To Top