Con số 4 tỉ USD cũng đánh dấu một bước đường nỗ lực rất dài của nhiều chính sách kinh tế phù hợp. Trước hết phải kể đến những nông dân nhạy bén, mạnh mẽ đã dám rũ bỏ chiếc áo nông nghiệp lạc hậu, nhỏ lẻ để quyết đầu tư đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chấp nhận thay đổi tập quán canh tác để từ đó thay đổi đời mình. Họ đã làm giàu trên mảnh đất mà cha ông để lại và dìu dắt người khác làm giàu.

Trong bức tranh này, chúng ta cũng thấy rõ một đội ngũ doanh nhân năng động, tự tìm thị trường và xác định được thế mạnh mà vùng đất nhiệt đới gió mùa có thể mang lại. Họ liên kết với nông dân và bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm để người nông dân bước vào làm ăn lớn. Bên cạnh đó, những chính sách xúc tiến thương mại của các ngành chức năng đã xác định được năng lực của ngành trái cây và trực tiếp đàm phán để ngành này thuận buồm xuôi gió đi xa.

4 tỉ USD nếu xét ở quy mô của cả nền kinh tế thì không lớn và cũng rất nhỏ so với những ngành kinh tế khác như công nghiệp, địa ốc, du lịch… Nhưng 4 tỉ USD của nông nghiệp hoàn toàn có một ý nghĩa khác, khi mà phía sau là hàng triệu nông dân, hàng vạn gia đình có thể giữ được mức sống ổn định để có điều kiện lo cho con ăn học. Con số này tăng lên, dù nhỏ thì đều có tác động đến gia cảnh của nông dân và qua đó dần thay đổi bức tranh nông thôn, làm đậm thêm ý nghĩa và tầm quan trọng của từng chỉ số xuất khẩu nông nghiệp.

Nhưng đằng sau con số ấn tượng kia, chúng ta một lần nữa phải nhìn nhận lại sự phân bổ nguồn lợi ích. Nông dân là người sản xuất chính, thậm chí là cải tạo giống, thí nghiệm sự thích nghi của từng giống cây trên từng vùng đất… thì lợi nhuận mang lại đối với họ liệu đã tương xứng? Các khâu trung gian để đưa trái cây xuất ngoại chiếm tỉ lệ như thế nào trong cơ cấu lợi nhuận này? Mối liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng trọt có đủ chia sẻ cả những rủi ro về mùa màng, thị trường, giá cả? Quan trọng hơn, nguồn vốn nhà nước dành để đầu tư cho nông dân liệu đã thông suốt để họ có thể mạnh dạn làm ăn lớn?

Những vấn đề trên không mới và đến nay vẫn chưa giải quyết thỏa đáng. Đây cũng là những kinh nghiệm mà hạt gạo đã trải qua. Xuất khẩu gạo của nước ta luôn trong tốp đầu của thế giới nhưng chất lượng và giá trị lợi nhuận vẫn đi sau Thái Lan. Nguồn lợi chính vẫn thuộc về các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, cho dù đa số là những doanh nghiệp lớn của nhà nước. Nhiều năm qua, xuất khẩu gạo đều vượt 3 tỉ USD (năm 2022 xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD) nhưng vẫn chưa tạo được bước đột phá cho vùng sản xuất lúa gạo.

Trái cây có lợi thế của ngành đi sau, dư địa phát triển rất lớn nên cần phải sớm hoàn thiện các cơ chế từ trồng trọt đến giá cả thu mua và tìm thị trường. Lợi nhuận phải sòng phẳng, rủi ro phải san sẻ thì nông dân mới hồ hởi sản xuất, tạo nên một ngành kinh tế mạnh.