Xuất khẩu dệt may mới đạt 18,6 tỷ USD, còn xa đích 2023 là 47 tỷ USD

Vitas cho biết, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 dự kiến đạt 18,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, kết quả đạt được vẫn còn xa so với mục tiêu 45 – 47 tỷ USD trong cả năm nay.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đà tăng trưởng của ngành dệt may chững lại chủ yếu đến từ những khó khăn liên hoàn từ suy thoái kinh tế, Fed tăng lãi suất, hệ lụy từ căng thẳng địa chính trị… khiến sức của của người tiêu dùng chậm lại, tồn kho các mặt hàng giá rẻ ở mức cao.

Xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 dự kiến đạt 18,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Chủ tịch Vitas đánh giá, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu với hàng may mặc sụt giảm mạnh thì kết quả 18,6 tỷ USD là sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, những giải pháp về số hóa, đầu tư về công nghệ được coi chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán và rút ngắn thời gian giao hàng, ba động lực cạnh tranh chính của ngành dệt may Việt Nam so với các đối thủ.

Cụ thể, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại cả thị trường xuất khẩu và mặt hàng. Theo số liệu của Vitas, cho đến thời điểm này, 68 sản phẩm của ngành dệt may đã được xuất khẩu sang 64 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các doanh nghiệp không chỉ sản xuất những mặt hàng truyền thống như áo sơmi, denim, hàng dệt kim… mà còn bắt đầu khai thác thêm khu vực Trung Đông, châu Phi với sản phẩm áo đạo Hồi. Việc doanh nghiệp chuyển từ đơn hàng lớn, dài hạn sang thích ứng nhanh (đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh) cũng tạo ra sự thay đổi về dây chuyền sản xuất, đội ngũ nhân sự…

Chủ tịch Vitas cho rằng trong thời gian tới ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với những áp lực và đòi hỏi đến từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh hóa, hàng rào kỹ thuật liên quan đến sản phẩm tái chế. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới, cùng với đó thúc đẩy xanh hóa với các giải pháp đồng bộ từ nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh, năng lượng xanh.

Năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước đó. Từ kết quả này, ngành dệt may đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 45-47 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu đơn hàng đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp và ảnh hưởng chung tới toàn ngành.

Dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19…

Ngoài ra, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Theo đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay ước đạt 36-37 tỷ USD, toàn ngành nỗ lực ở mức cao nhất để đạt 40 tỷ USD.

Theo: VNBUSINESS
Spread the love
Back To Top