Nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ AI, IoT giúp cải thiện chất lượng không khí

Hà Nội và TP. HCM luôn có mức độ ô nhiễm không khí đầu bảng của thế giới. Thậm chí, tại thời điểm tháng 1/2023, Hà Nội lọt top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo ứng dụng IQAir của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Trong điều kiện đó, những sản phẩm hệ thống làm lạnh và tòa nhà thông minh, điều hòa và lọc khí ứng dụng các công nghệ AI, IoT hiện đại là điều không thể thiếu…

Năm 2022, Triển lãm HVAC đã thu hút được nhiều quốc gia tham dự.

Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về “Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về Công nghệ HVAC (sưởi ấm, thông gió, điều hoà không khí), hệ thống làm lạnh và tòa nhà thông minh tại Việt Nam (HVACR Vietnam 2023)”, ngày 22/6, ông BT Tee, Tổng Giám đốc Informa Markets Việt Nam cho rằng năm 2022, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất trong suốt 12 năm qua.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam vượt ngưỡng 400 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,02%. Con số này chứng minh cho sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế Việt Nam, bất chấp dư chấn hậu đại dịch và bất ổn kinh tế toàn cầu.

FDI là động lực chính cho sự tăng trưởng này. Tính đến tháng 12/2022, tổng số vốn đầu tư nước ngoài FDI ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái (Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, 2023).

Theo ông BT Tee, kết quả trực tiếp của FDI là yêu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ việc mở rộng các thành phố và trung tâm sản xuất công nghiệp. Số lượng và chất lượng các hệ thống HVAC sẽ cần được nâng cao để phục vụ cho tất cả mọi ngành, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn y tế, sức khỏe và môi trường.

Trong tương lai, doanh nghiệp cần phải xem xét tác động và các giải pháp khả thi để kiểm soát sự lây lan vi-rút truyền bệnh thông qua hệ thống thông gió của tòa nhà. Việc nâng cấp các hoạt động của tòa nhà, bao gồm hệ thống vận hành nhiệt, thông gió và điều hòa không khí là sẽ trở nên vô cùng bức thiết để giảm những rủi ro lan truyền trong không gian.

Đánh giá về tiềm năng thị trường các sản phẩm công nghệ cao HVAC trong thời gian tới, đại diện Informa Markets Việt Nam khẳng định, công nghệ mới, xanh, có ý thức về môi trường từ ngành HVAC chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn những năm tiếp theo.

Điều này có nghĩa là hệ thống sưởi, thông gió trong công nghiệp được cung cấp nhiên liệu bằng điện hoặc hydro, cùng các công nghệ thông minh khác như IoT (internet vạn vật công nghiệp), phần mềm dạng dịch vụ (SaaS), các hệ thống tài khoản tự động tích hợp AI sẽ được đẩy mạnh.

Không chỉ vậy, việc tăng cường lắp đặt các công nghệ tiên tiến vào dân cư nhờ thu nhập khả dụng tăng cao cũng được dự đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu về thiết bị sưởi, thông gió và điều hòa không khí dân dụng.

Tính riêng ngành điều hòa, với đặc điểm khí hậu gió mùa nóng ẩm và dân số gần 100 triệu, theo nghiên cứu của Research&Market, Việt Nam hiện là một trong những thị trường điều hoà lớn nhất châu Á, dự kiến quy mô đạt 2,9 tỷ USD năm 2025.

Trong những năm gần đây, Hà Nội và TP. HCM luôn có mức độ ô nhiễm không khí đầu bảng của thế giới. Thậm chí, tại thời điểm tháng 1/2023, Hà Nội lọt top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo ứng dụng IQAir của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Trong điều kiện đó, những sản phẩm HVAC, điều hòa và lọc khí ứng dụng các công nghệ AI, IoT hiện đại là điều không thể thiếu, khi thu nhập khả dụng của người dân ngày càng tăng.

Ngoài ra, sự thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Việt Nam cũng đóng góp vào việc nâng cao nhu cầu về công nghệ HVAC chuyên cho các trung tâm dữ liệu và máy chủ.

Hiện nước ta có 27 trung tâm dữ liệu, trong đó miền Bắc chiếm 46%, miền Nam 35% và miền Trung chiếm 18%. Năm 2022, Việt Nam chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các trung tâm dữ liệu. Từ tháng 8/2022, nhiều “ông trùm” ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đã củng cố vị thế bằng việc khai trương thêm các đơn vị mới trên cả nước như CMC, Viettel Cloud của Viettel, kỳ lân VNG,…

“Trên thực tế, Việt Nam thực sự là một thị trường trẻ đầy triển vọng trong ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải có những bước tiến khá dài để bắt kịp các nước láng giềng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, ông BT Tee nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hoà không khí Việt Nam nhận định, sự phát triển thị trường điều hòa, tủ lạnh ở nước ta vào loại lớn nhất Đông Nam Á. Hàng năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ trên dưới 2 triệu máy điều hòa và trên dưới một triệu tủ lạnh.

Tuy nhiên, ngành lạnh và điều hoà không khí đang gặp nhiều thách thức. Đó là điều hòa đã tiêu thụ một lượng điện rất lớn. Trong các tòa nhà hoặc khách sạn, lượng điện tiêu thụ cho điều hòa chiếm khoảng 40-60%. Các môi chất lạnh trong các hệ thống lạnh đã gây ra phá hủy tầng ô dôn và gây nên hiệu ứng nhà kính, làm trái đát nóng lên.

Do đó, vấn đề trước mắt là phải có các giải pháp giảm tiêu thụ năng lượng cũng như tìm các môi chất không phá hủy tầng ô dôn và không gây hiệu ứng nhà kính.

Theo ông Tiên, việc đưa các giải pháp công nghệ vào hệ thống HVAC trong thời điểm này thực sự cần thiết nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt,trong bối cảnh miền Bắc Việt Nam đang thiếu điện trầm trọng, nếu cắt điện diễn ra liên tục sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất của doanh nghiệp. Việt Nam muốn phát triển lâu dài cần để ý nhiều hơn nữa đến công nghệ trong HVAC. Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP 26, đòi hỏi Việt Nam cần nhìn nhận quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề này. 

Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về Công nghệ HVAC, Hệ thống làm lạnh và Tòa nhà thông minh tại Việt Nam (HVACR Vietnam 2023) sẽ trở lại vào ngày 25 – 27/7/2023 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội.

Sự kiện  thu hút hơn 150 đơn vị trưng bày, đến từ hơn 10 quốc gia/vùng lãnh thổ dẫn đầu về công nghệ trong ngành, trên tổng diện tích 3.000 m2. 

 

Theo: VnEconomy
Spread the love
Back To Top