‘Nhiều khách sạn ở Việt Nam chỉ tương đương nhà nghỉ ở Thái’

Theo thống kê, so với 10 nước Đông Nam Á (không gồm Đông Timor), lượng khách và doanh thu du lịch trong 10 năm của Việt Nam đứng thứ năm, mức trung bình, sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Lượng khách và doanh thu của Việt Nam trong năm cao nhất (2019) thấp hơn chỉ số Thái Lan đạt được cách đây 9 năm. Năm 2011, Thái Lan đón 16 triệu lượt khách, doanh thu đạt 30,9 tỷ USD. Năm 2019, Thái Lan đón 39,9 triệu lượt, thu về hơn 64,3 tỷ USD. trong khi đó, năm cao nhất của Việt Nam vẫn thấp hơn năm thấp nhất của Malayisa là 2010 (24,5 triệu lượt khách, 19,6 tỷ USD).

So sánh du lịch Việt Nam với các nước láng giềng, độc giả Jack Tran nhận định: “Còn rất nhiều điểm yếu kém của du lịch Việt Nam. Chẳng cần nói đâu xa, chỉ so sánh với mấy nước quanh quẩn trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, chúng ta đã thấy một khoảng cách rất xa rồi. Không phải chỉ một điểm du lịch mà hầu hết những điểm du lịch nội địa của ta đều yếu và thiếu cái cơ bản nhất, đó là nhà vệ sinh công cộng và thùng rác

Điển hình như ở Phú Quốc quê tôi, mang tiếng là ‘đảo ngọc thiên đường’ nhưng khu chợ đêm hay xung quanh trung tâm không thấy một cái thùng rác nào. Người dân và du khách cứ vô tư quăng rác thẳng xuống đường. Ngay khu vực Dinh Cậu cũng ngập ngụa rác thải. Bản thân tôi còn không dám bước xuống rửa chân chứ đừng nói tắm biển. Giá cả du lịch tại đây còn đắt đỏ hơn cả Sài Gòn từ dịch vụ ăn uống, khách sạn, đến taxi. Thế nên người ta đi một lần rồi không muốn quay lại lần nữa.

Có thể nói, chi phí chuyến đi du lịch nội địa ở Việt Nam còn đắt hơn đi Thái Lan, trong khi GDP đầu người của Việt Nam và mức sống vẫn thấp hơn. Điển hình là tour Hà Nội – Hạ Long – Ninh Bình từ TP HCM trong 4 ngày 3 đêm đã ngốn gần 7 triệu đồng. Trong khi với số tiền tương đương đó, du khách hoàn toàn có thể mua tour đi Thái Lan trong 5 ngày 4 đêm.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng du lịch ở ta cũng tệ. Tôi từng ở khách sạn tại khu phố cổ Hà Nội, năm ngoái nhưng thấy sợ luôn. Phòng ốc tồi tàn, tối thui, không được sáng sủa, toilet cáu bẩn, ăn sáng đi kèm chỉ lèo tèo vài món, thua xa bên Thái Lan. Cái gọi là khách sạn 2-3 sao ở ta chỉ xứng tầm là nhà nghỉ thôi. Trong khi đó, giá phòng tôi check trên website đặt phòng những 1 triệu đồng mỗi đêm, hoàn toàn không xứng với chất lượng”.

Nói về những trải nghiệm đáng quên khi du lịch trong nước, bạn đọc Khanh kể lại: “Tôi là người Việt, sống ở Hà Nội. Cá nhân tôi không thích mua đồ ở khu vực chợ (ngoại trừ mua thức ăn hàng ngày thì mua của người quen), đồ khác không mua ở các shop ngoài đường. Tôi chỉ chủ yếu mua hàng ở siêu thị vì giá cá rõ ràng, hàng đảm bảo chất lượng. Tôi có du lịch tới Huế một lần cùng nhóm 13 người ở công ty. Những sau chuyến đi, cả nhóm dặn lòng rằng không bao giờ đi lại lần nữa vì những trải nghiệm rất tệ. Chỉ có duy nhất Đà Nẵng tôi đã đi 7-8 lần và vẫn muốn đi lại tiếp.

Trong khi đó, du lịch nước ngoài lại cho tôi những cảm nhận khác hẳn. Tôi toàn đi tự túc, tự đặt vé máy bay, tự đặt phòng, tự trải nghiệm. Xét về chi phí đi du lịch, tôi thấy chi phí đi Thái Lan (Bangkok và Pattaya) cũng chỉ tương đương hoặc thậm chí còn ít hơn chi phí đi Nha Trang. Cách đây sáu năm, tôi đi tàu qua sông Chao Phraya để thăm đền Wat Arun nhưng giá vé chỉ có 4 Bath (khoảng 3.000 đồng), đi tàu từ Pattaya đến đảo Kohlan chỉ 20 Bath (tương đương 14.000 đồng). Trong khi tôi đi từ Vân Đồn ra đảo Cô Tô mà giá vé lên tới 200.000 – 250.000 đồng.

Đường phố ở Singapore, Thái Lan, Malaysia đều sạch đẹp hơn Việt Nam. Tôi đặc biệt ấn tượng với chuyến đi Singapore. Ở đây sạch đẹp miễn bàn, giá dịch vụ ăn uống ở sân bay Singapore cũng chỉ tương tự như giá ở khu dân cư (khoảng 85.000 – 260.000 đồng). Ở Singapore, bạn muốn ở khu trung tâm như Chinatown, Garden by the bay thì giá đắt, còn ở cách xa khoảng 5 km trở lên thì giá cũng chỉ gấp hai lần Hà Nội, nhưng đổi lại có tàu điện ngầm rất tiện, không lo tắc đường, đi khắp đất nước và chi phí rẻ. Giá ăn uống ở đây cũng đắt khoảng gấp 1,5-2 lần tại Việt Nam nhưng bù lại ăn uống rất yên tâm, không sợ mất vệ sinh và hóa chất”.

So sánh cách làm du lịch tại Việt Nam với các nước trong khu vực, độc giả Diepph đánh giá: “Cách làm du lịch ở Việt Nam rất khác biệt so với nhiều điểm đến khác trên thế giới. Sự khác biệt đầu tiên là ở sân bay. Sân bay Tân Sơn Nhất không đắt hơn các sân bay ở Melbourne, Sydney, Changi hay Tokyo… nhưng vấn đề mà du khách quan tâm nhất ở đây là phương tiện đưa đón, tiện nghi và vệ sinh. Đây là những yếu tố còn hạn chế và cần được cải thiện.

Tư duy trong các làm du lịch ở ta cũng có nhiều yếu kém. Sản phẩm du lịch ở các tỉnh thành trong nước đang không có sự đặc biệt, bất chấp lợi thế khác nhau. Điều này khiến du khách cảm thấy nhàm chán. Lãnh đạo các địa phương thường chọn xây dựng đền, chùa, thay vì tận dụng lợi thế vùng miền để tạo nét độc đáo riêng. Chúng ta cần hiểu và phát huy lợi thế địa phương thay vì sao chép mô hình từ các nơi khác.

Hiểu sở thích của khách du lịch cũng rất quan trọng trong phát triển du lịch. Hội An thu hút khách du lịch nước ngoài hơn Đà Nẵng cũng là bởi họ biết cung cấp những trải nghiệm về đêm, nhảy múa và âm nhạc. Doi đó, mỗi địa phương cần tạo ra những trải nghiệm độc đáo hơn nữa để thu hút khách du lịch”.

Bổ sung thêm những vấn đề cần thay đổi để tạo cú hích cho du lịch Việt, bạn đọc Nguyen bình luận: ” Tôi là một người sống ở Mỹ từ nhỏ, thường xuyên đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Nói về du lịch Việt, theo tôi có một số vấn đề lớn sau đây:

Thứ cần cải thiện trước tiên là ngay từ cửa ngõ đón khách vào trong nước, đó là sân bay: không khí cần mát mẻ, trong lành, nhân viên từ khâu an ninh, hải quan và nhân viên quầy vé đều phải vui vẻ và nhiệt tình. Các vấn đề liên quan đến giấy tờ nhập cảnh cũng cần phải đựa tinh giảm, đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam.

Tại các điểm du lịch, không nên phát triển theo hướng ‘sao y bản chính’ cảnh quan, đô thị của châu Âu và châu Mỹ. Khách quốc tế đến với nước ta là do họ muốn thấy những gì khác lạ mà nước họ không có chứ không phải xem ta nhái lại họ.

Du khách ngoại quốc đa phần thích cảm giác mạo hiểm và khám phá nên du lịch trong nước cũng cần đẩy mạnh những mảng này để hút khách. Ngoài ra, các điểm du lịch nên tập trung vào các yếu tố thiên nhiên nhiều hơn thay vì mải mê chạy đua nhân tạo.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến giá cả cũng phải niêm yết rõ ràng. Thực đơn, bảng quảng cáo, hướng dẫn cũng phải kết hợp vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh để du khách không khó khăn trong việc tiếp nhận. Đặc biệt, cần hạn chế tình trạng chèo kéo du khách”.

PV
Theo: vnexpress
Spread the love
Back To Top