Thoát cảnh trắng sóng di động ở nơi xem rùa đẻ trứng

Từ một nơi gần như không có sóng viễn thông di động, du khách đến với hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo) giờ đây đã có thể liên lạc, vào mạng Internet tương tự như ở trong đất liền.

Hòn Bảy Cạnh là 1 trong 14 đảo nhỏ thuộc vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).  Đây cũng là khu bảo tồn vích (rùa biển) lớn nhất cả nước và là một địa điểm thu hút nhiều lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. 

Trước kia, trên đảo chỉ có một trạm BTS duy nhất của Viettel được đặt tại ngọn hải đăng Bảy Cạnh, trên đỉnh núi cao 200m so với mực nước biển. Thế nhưng, do vị trí đặt trạm quá cao và xa khu vực bảo tồn nên nơi đây vẫn gần như trắng sóng.

Để khắc phục tình trạng trên, các kỹ sư Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) mới đây đã hoàn thành việc xây dựng trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) mới tại khu bảo tồn. Nhờ vậy, khu vực này đã thoát khỏi cảnh lõm sóng di động. 

Trước kia việc bắt sóng di động trên hòn Bảy Cạnh gặp rất nhiều khó khăn. Các cán bộ Kiểm lâm phải tạo các “buồng” nghe điện thoại tại những khu vực hiếm hoi có sóng di động. Ảnh: Báo Người đưa tin

Đại diện Viettel cho biết, theo kế hoạch ban đầu, đơn vị này sẽ sử dụng phương pháp truyền dẫn viba cho trạm BTS tại khu bảo tồn. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không thể thực hiện do đặc thù của vườn quốc gia Côn Đảo.

Sau quãng thời gian dài chờ đợi cùng nhiều phương án khác nhau được đề xuất, Viettel đã quyết định kéo 5 km cáp quang từ trạm BTS tại ngọn hải đăng Hòn Bảy Cạnh xuống trạm mới đặt tại khu bảo tồn để đảm bảo sóng viễn thông tại khu vực này.

Việc kéo cáp gặp muôn vàn khó khăn khi đội thi công phải băng qua rừng nguyên sinh, không thể dựng cột cũng như đào hầm mà chỉ có thể kéo cáp thả nổi trên mặt đất. Sau thời gian dài triển khai thi công trên địa hình hiểm trở, dốc đá chông chênh nguy hiểm, cuối cùng trạm phát sóng của Viettel cũng đã đi vào hoạt động tại khu bảo tồn”, đại diện Viettel cho biết. 

Các kỹ sư kéo cáp quang băng rừng để kết nối với trạm BTS mới. Ảnh: NVCC

Trạm BTS mới trên hòn Bảy Cạnh được đặt ngay tại trung tâm khu bảo tồn Vích. Trạm có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của khoảng 500-600 người dùng cùng lúc. Khách du lịch khi tới đây đã thoát khỏi cảnh trắng sóng di động. Các lực lượng chức năng như Kiểm lâm và Biên phòng trên đảo nhờ vậy cũng được kết nối gần hơn với đất liền. 

Theo Viettel, trong quá trình xóa vùng lõm sóng trên hòn Bảy Cạnh, khó khăn nhất là công tác vận chuyển bởi khung thép dùng để dựng trạm BTS nặng đến 60 tấn. Để giải quyết vấn đề này, đội thi công đã phải tháo rời từng thiết bị và phải mất rất nhiều lần vận chuyển bằng cano. 

Có những lúc biển động, cano không thể neo gần đảo, các thành viên trong đội thi công đã phải mang theo vật tư, thiết bị, bơi gần 100 mét để vào bờ. Sau đó, đội ngũ thi công lại phải tiếp tục vận chuyển thiết bị qua rừng nguyên sinh và dốc núi hiểm trở mới tới được điểm tập kết. 

Hòn Bảy Cạnh hút du khách bởi cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và trải nghiệm xem rùa đẻ “có một không hai”. Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư

Thông thường, với mỗi trạm viễn thông trên đất liền, đơn vị thi công chỉ mất 45 ngày để hoàn tất quá trình xây dựng và lắp đặt. Thế nhưng do điều kiện thi công khó khăn, thời tiết và địa hình phức tạp, một bên là biển, một bên là rừng, các kỹ sư đã phải mất 6 tháng (3 tháng vận chuyển thiết bị, 3 tháng xây dựng) mới có thể xây dựng xong trạm BTS mới trên hòn Bảy Cạnh. 

Theo đại diện Viettel, bất chấp những khó khăn, thách thức kể trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, Viettel đang tích cực triển khai xóa các vùng lõm sóng di động theo tinh thần “điện đi tới đâu, viễn thông tới đó”. Tiếp nối thành công của dự án phủ sóng khu bảo tồn Vích hòn Bảy Cạnh, trong năm 2023, nhà mạng này sẽ xử lý, hoàn thành 136 trạm BTS mới nhằm xóa các điểm lõm sóng viễn thông di động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

PV
Theo: vietnamnet
Spread the love
Back To Top