Tòa Thánh Tây Ninh – công trình tôn giáo vĩ đại nhất của đạo Cao Đài

Nếu công trình khác có kiến trúc sư thiết kế, xây dựng theo bản vẽ, Tòa Thánh Tây Ninh được Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào người lao động.

Tòa Thánh Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tòa Thánh Tây Ninh hay còn được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc là Đền Thánh, tọa lạc tại đường Phạm Hộ Pháp, thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

Được xem là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo vĩ đại nhất của Đạo Cao Đài, Tòa Thánh Tây Ninh hội tụ những phong cách kiến trúc độc đáo thu hút hàng nghìn lượt du khách tham quan mỗi năm.

Tòa Thánh Tây Ninh – cơ sở thờ tự cấp trung ương của Đạo Cao Đài

Nếu như những công trình lớn thường có kiến trúc sư thiết kế, xây dựng theo bản vẽ…, Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh lại được Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào công sức, bàn tay của người lao động.

Được khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành, Tòa Thánh Tây Ninh được góp sức xây dựng bởi người dân mà họ không lấy bất kỳ chi phí tiền công nào, thậm chí họ còn không lấy vợ, cưới chồng trong thời gian thi công để đảm bảo đủ âm dương cho công trình. Mọi lý thuyết về kích thước, kiến trúc đều được Đức Lý Giáo Tông Giáng Cơ chỉ đạo người dân thực hiện.

Khuôn viên của nội ô Tòa Thánh rộng 1km2. Bố cục của công trình này chứa đựng những quan điểm triết lý tôn giáo hoặc huyền học. Theo kinh sách, Tòa Thánh tượng trưng cho Bạch Ngọc Kinh ngự tại thế gian. Một số biểu tượng dễ nhận thấy như tượng Hộ Pháp, tượng ông Thiện… được làm rất tỉ mỉ, công phu.

Hàng rào bọc xung quanh khu vực nội ô của Tòa Thánh, có tới gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau như Tòa Thánh, các cơ quan Đạo, Bửu Tháp… liên kết với nhau. Những con đường rộng thênh thang kết nối những công trình này.

Cổng chính vào Tòa Thánh Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Về cơ bản, công trình Tòa Thánh Tây Ninh hội tụ nhiều kiến trúc độc đáo từ nhiều công trình tôn giáo trên thế giới. Đây cũng là công trình thể hiện rõ tôn chỉ của Đạo Cao Đài, đó là: Tam giáo quy nguyên, Phục Nhứt Ngũ Chi.

Tòa Thánh có kích thước thực tế dài 97,5m, rộng 22m, có nét tương đồng với hệ thống tháp chuông tại các nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Phần giữa, Tòa Thánh Tây Ninh được thiết kế với tượng Đức Phật Di Lặc ngự trị ở phần nóc.

Long Mã Bái Sư là hình tượng tổng thể công trình kiến trúc tôn giáo này. Diện mạo của đầu Long Mã ở mặt trước của Tòa Thánh nhìn thẳng về phía Tây. Bên trên có hai lầu chuông và trống vươn cao tựa như hai cặp sừng nhọn. Ở chính giữa lầu trống và lầu chuông là tòa nhà có tầng trệt mang tên Tịnh Tâm Đài.

Tầng hai của Tòa Thánh có tên Phi Tưởng Đài giống như phần trán với 2 cánh cửa được coi như hai con mắt của Long Mã. Khu vực Cửu Trùng Đài là phần thân, tiếp nối là Hiệp Thiên Đài. Phần đuôi của Long Mã tọa lạc tại cuối Đền Thánh khu vực Bát Quái Đài. Công trình tôn giáo thiêng liêng này được xây dựng bằng bêtông cốt tre đặc trưng cho các công trình Tòa Thánh thuộc Đạo Cao Đài.

Hình ảnh Tòa Thánh Tây Ninh còn gợi cho du khách sự liên tưởng về hình tròn của Trời và hình vuông của Đất. Đây cũng là những lý thuyết về vũ trụ quan trong Nho Giáo.

Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh có hình dạng tương đồng với Bát Quái Đồ của Đạo Tiên. Trên nóc của chi tiết này còn có 3 pho tượng Phật. Bên trong Tòa Thánh Tây Ninh được xây dựng với Cửu Trùng Đài có 9 cấp bậc từ thấp lên cao.

Tượng Phật ngự tòa sen và biểu tượng Thiên nhãn trước Tòa Thánh Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khu vực xung quanh của Tòa Thánh có 12 cổng Tam quan xây dựng theo 3 lối kiến trúc khác nhau. Cổng chính là Chánh Môn, 11 cổng còn lại được đánh số từ 1 đến 11.

Xung quanh Tòa Thánh có tổng cộng 112 cây cột tròn cống đỡ mái hiên ở hành lang. Những khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình Thiên nhãn, chính giữa có một tam giác đều bao quanh vách của Đại điện. Có tổng cộng 23 ô hoa sen có hình thiên nhãn. Lối vào chính qua Tịnh Tâm Điện có tất cả 6 lối vào phụ và hai bên đều có tượng Kim Mao Hầu.

Lễ hội độc đáo ở Tòa Thánh Tây Ninh

Vốn là mảnh đất khởi sinh ra Đạo Cao Đài, Tây Ninh từ lâu đã trở thành thánh địa của hàng vạn tín đồ trên cả nước với hai lễ hội quan trọng bậc nhất trong tín ngưỡng bản địa.

Lễ Vía Đức Chí Tôn: Diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Đây là một trong những lễ hội Tòa Thánh Tây Ninh khá nổi tiếng được đông đảo người dân địa phương và khách du lịch biết đến. Đây cũng là lễ hội lớn trong năm được tổ chức tại công trình này.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, hàng nghìn người dân sẽ có mặt ở bên ngoài Tòa Thánh Tây Ninh để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của rồng nhang. Bên cạnh đó, du khách còn được chứng kiến những điệu nhảy vui tươi, độc đáo của ngọc kỳ lân, quy, phụng, long mã…

Hệ thống dàn nhạc sắc tộc cũng được thực hiện trước Đền Thánh, Báo Ân Từ tạo nên một âm hưởng vô cùng sôi động. Sau đó, dàn nhạc này sẽ diễu hành qua Đông Tây khán đài, tạo nên một khung cảnh cực kỳ sôi động.

Du khách đến tham quan Tòa Thánh Tây Ninh trong thời điểm tổ chức lễ hội còn được trải nghiệm nhiều gian hàng trưng bày nhiều mô hình lịch sử… Với hoạt động này, bạn sẽ phần nào hiểu biết thêm về văn hóa, những giá trị nhân văn của con người và truyền thống dân tộc Việt Nam.

Lễ Vía Đức Chí Tôn. (Nguồn: wikipedia)

Hội Yến Diêu Trì Cung: Được tổ chức vào Rằm tháng Tám Âm lịch, Hội Yến Tòa Thánh Tây Ninh là một trong những lễ hội thu hút đông đảo sự tham gia của người dân và khách du lịch.

Lễ hội bắt đầu bằng màn trình diễn múa Rồng nhang độc đáo bao gồm Long, Lân, Quy, Phụng. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào một không gian vô cùng nhộn nhịp.

Múa rồng nhang Tòa Thánh Tây Ninh là một trong những hoạt động độc đáo ở phần lễ, du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp ghé thăm địa điểm này. Ngoài ra, bữa ăn chay tập thể tại Tòa Thánh Tây Ninh cũng là một trong những hoạt động độc đáo tại Lễ hội này.

Vào những ngày gần diễn ra, bạn sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp khi bà con nơi đây chuẩn bị, sửa sang con đường, cây cảnh cho Lễ hội.

Phần Lễ được diễn ra với các hoạt động của đạo như cúng bái, rước cộ bông, múa Rồng nhang, ngọc kỳ lân, quy, phụng… Phần rước cộ bông Đức Phật là một hoạt động lớn nhất của Lễ hội này. Đây cũng là màn biểu diễn được đầu tư rất công phu của bà con giáo dân tại đây.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top