Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND các địa phương có cửa khẩu biên giới để trao đổi một số vấn đề trong xây dựng cửa khẩu số.

Hiện nay, UBND một số tỉnh biên giới đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện triển khai xây dựng mô hình nền tảng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh. Tuy nhiên, nền tảng cửa khẩu số do một số địa phương tự chủ động xây dựng theo mục đích và nhu cầu quản lý của chính quyền địa phương nên khi thực hiện lại đang có sự chồng chéo giữa các hệ thống, quy trình, thủ tục đã được pháp luật hải quan quy định với các quy định của các lực lượng quản lý nhà nước khác tại khu vực cửa khẩu.

Một nền tảng cửa khẩu số ở Lạng Sơn.

Theo Bộ Tài chính, Bộ TT&TT cũng đang trình lấy ý kiến các Bộ ngành để bổ sung Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/2/2022 về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Cụ thể, Bộ TT&TT đang dự thảo bổ sung các nền tảng, trong đó có nền tảng cửa khẩu số, dự kiến giao cho cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính, đơn vị đầu mối của Bộ Tài chính là Tổng cục Hải quan, để triển khai thực hiện phù hợp với thực tế.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án thông quan thông minh, trong đó “Mô hình quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ” là một phần của đề án này.

Theo Bộ Tài chính, về mặt bản chất, mô hình Tổng cục Hải quan được giao xây dựng có tính đồng nhất với mục đích, định hướng quản lý nhà nước tại cửa khẩu mà mô hình cửa khẩu số của các tỉnh đang hướng tới xây dựng. Đồng thời đảm bảo được tính xuyên suốt về công tác quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh từ khi vào lãnh thổ Việt Nam cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan để thực nhập hoặc thực xuất. 

Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh biên giới khi có kế hoạch triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu số ở địa phương đề nghị thống nhất, trao đổi với Tổng cục Hải quan (hoặc giao cho Cục Hải quan tỉnh chủ trì xây dựng, báo cáo Tổng cục Hải quan) trong việc thiết kế tổng thể mô hình kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ.

Điều này nhằm đảm bảo tính tổng thể, thống nhất, đồng bộ, ứng dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với thực tế đặc thù từng nhóm cửa khẩu đường bộ, nằm trong tổng thể Hải quan số, Hải quan thông minh, tầm nhìn, định hướng đến năm 2030.