Ngân hàng đẩy mạnh cho vay online

Một trong những lý do khiến Thông tư số 06/2023/TT-NHNN được các ngân hàng hết sức trông chờ đó là một loạt quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đã được bổ sung. Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, với các khoản vay nhỏ, cho vay online phát triển sẽ giải quyết được nhu cầu của người dân và cả ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng còn thận trọng cho vay online, bởi pháp lý chưa rõ ràng, dữ liệu chưa sạch. Tuy nhiên, với sự ra đời Thông tư 06/2023/TT-NHNN và đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các ngân hàng sẽ có cơ sở để thúc đẩy cho vay trên ngân hàng số.

Đại diện VPBank chia sẻ, việc Thông tư 06 quy định về cho vay trực tuyến sẽ tạo nhiều cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh hình thức cho vay online. Thời gian qua, VPBank đã triển khai hình thức cho vay online đối với nhiều đối tượng khách hàng. Khi vay trực tuyến khách hàng không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn. VPBank đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút… Để hồ sơ được phê duyệt, VPBank thực hiện nhập liệu thông tin/nhận diện khách hàng và trình hồ sơ chứng từ trực tuyến; ứng dụng công nghệ cho phép khách hàng tự thực hiện KYC thông qua nhận diện khuôn mặt trên CMND/CCCD…

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, thời gian qua, ngân hàng liên tục cho ra mắt nhiều sản phẩm số, giải pháp tài chính “may đo” cho từng phân khúc nhằm tối ưu trải nghiệm của khách hàng. Trong đó việc ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay và đẩy mạnh cho vay online đã được ngân hàng tích cực triển khai. Cho vay online không chỉ giúp cho khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mà còn giúp ngân hàng tiết kiệm thời gian, chi phí… Khách hàng chỉ cần tự khai thông tin của mình trên trang web của ngân hàng. Trên cơ sở thông tin khách hàng tự khai, OCB sẽ kết nối các dữ liệu với các bên thứ ba và sử dụng các công nghệ để thẩm tra và quyết định giải ngân. Để đảm bảo an toàn, ngân hàng còn kiểm tra về nợ xấu, điểm tín dụng thông qua công cụ của CIC. Bên cạnh đó ngân hàng còn kiểm tra thông tin khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…


VPBank đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến

Với Thông tư 06/2023/TT-NHNN cộng thêm việc ứng dụng rộng rãi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin tín dụng khách hàng chuẩn xác được cung cấp nhanh chóng là yếu tố quan trọng để quyết định sự phát triển của cho vay online. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc CIC cho biết, CIC hiện đang cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các TCTD để phục vụ mục đích quản trị rủi ro, quản lý danh mục, tìm kiếm khách hàng… Bên cạnh các báo cáo tín dụng truyền thống, CIC cung cấp các báo cáo thiết kế theo yêu cầu, các gói dữ liệu xây dựng mô hình phù hợp với nhu cầu riêng của từng đơn vị tra cứu. CIC tạo ra những sản phẩm đơn giản nhất, đơn cử như kiểm tra về tình trạng tín dụng của khách hàng. Khi cần, các TCTD có thể truy cập vào và kiểm tra ngay được khách hàng đó có nợ xấu hay không, tình trạng dư nợ tín dụng như thế nào… Chỉ bằng vài thao tác đơn giản trong thời gian ngắn, TCTD đã có được thông tin tín dụng khách hàng do CIC cung cấp để đưa ra quyết định. Đây là cơ sở quan trọng để ngân hàng cho khách hàng vay, nhất là cho vay theo hình thức online.

Mặc dù Thông tư 06/2023/TT-NHNN là cơ sở để các TCTD có thể mở rộng cho vay điện tử, song theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hành lang pháp lý vẫn cần hoàn thiện hơn nữa. “NHNN đang xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi), trong đó có đặt vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong việc lưu trữ hồ sơ cho đến các hoạt động cho vay… Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm công bố Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực công nghệ tài chính”, ông Hùng kiến nghị.

Liên quan tới hành lang pháp lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã được NHNN trình Chính phủ hơn 4 năm. Ngày 8/8 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản thống nhất với đề xuất trong Dự thảo Nghị định sửa đổi và đã có thông báo yêu cầu NHNN hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Tuấn, nếu trong quý III/2023, hai nghị định trên được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức NHNN sẽ ban hành thông tư hướng dẫn liên quan.

Như vậy, cùng với Thông tư 06/2023/TT-NHNN, việc Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định về sandbox ra đời, có hiệu lực từ đầu năm tới, sẽ khiến thị trường cho vay tiêu dùng, cho vay online khởi sắc.

Theo: thoibaonganhang.vn
Spread the love
Back To Top