Ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong thực thi Bộ chỉ số ESG

ESG là một phần của chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp. ESG ngày càng trở thành công cụ bắt buộc để các doanh nghiệp tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Tại Hội thảo khoa học “Thực thi ESG trong ngành ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp” do Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chiều 21/12, tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tại Việt Nam ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi Bộ chỉ số ESG (E-Environmental: Môi trường; S-Social: Xã hội và G-Governance: Quản trị).

Theo đó, việc thực thi ESG tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, ESG là vấn đề toàn cầu. ESG thể hiện nỗ lực của các công ty trong việc đánh giá, quản lý, giám sát một cách có hệ thống các rủi ro có tác động tiềm tàng, ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định chiến lược về tài chính của công ty. Do vậy, ESG là một phần của chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp. ESG ngày càng trở thành công cụ bắt buộc để các doanh nghiệp tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, với một số cải cách trong quy trình cấp tín dụng, do vậy, sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải giải quyết trong quá trình áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh như công tác triển khai, thẩm định những tác động môi trường, các rủi ro liên quan đến danh mục đầu tư, quản trị, đánh giá rủi ro ESG, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG…
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hội thảo đã tạo ra một diễn đàn trao đổi có tính tương tác cao giữa các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học… cùng thảo luận, đánh giá về những cơ hội, thách thức trong việc thực thi ESG trong ngành ngân hàng; phân tích các mô hình, tác động việc thực thi ESG của các nước trên thế giới đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Từ đó đưa ra những tham mưu chính sách đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khuyến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; đồng thời, đưa ra các giải pháp để thực thi có hiệu quả ESG trong các doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng tại Việt Nam nói riêng.
Nằm trong nhóm Big 4, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác lập mục tiêu “Hướng tới sự phát triển bền vững” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, đưa tín dụng xanh, tài trợ xanh trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển. BIDV đã nghiên cứu triển khai đa dạng các sản phẩm xanh, bền vững nhằm đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, bền vững của nền kinh tế. Cụ thể, đến ngày 30/11, BIDV đã tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh. Tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của BIDV. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm trên 80%), tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai (chiếm khoảng 10%)…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam đây là lĩnh vực khá mới và đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các ngân hàng.
Đại diện BIDV cho rằng, đến nay quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. Do vậy, chưa có căn cứ cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn tương ứng của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc triển khai tại các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, việc xác định và thu thập dữ liệu về phát thải tiếp tục là vấn đề khó khăn tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam. Điều này dẫn đến những vướng mắc trong thẩm định, đánh giá, giám sát tín dụng cũng như việc đo lường, định lượng phát thải tổng thể của ngân hàng
Ngoài ra, lực lượng nhân sự ngân hàng có kiến thức kĩ thuật chuyên sâu về các yếu tố môi trường, xã hội và bền vững để đánh giá, thẩm định dự án/khoản vay còn tương đối hạn chế.
Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam mới tiếp cận ban đầu với định hướng phát triển bền vững và thực hành ESG, nhất là việc quản lý các rủi ro về môi trường. Do đó, sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu ngành thực hiện chuyển dịch hoạt động từ kinh doanh thương mại thông thường sang phát triển bền vững.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động ngân hàng xanh, phát triển bền vững cần tiếp tục được xây dựng và ban hành với mức khuyến khích đủ lớn.
Để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng trong việc tiếp cận và chuyển dịch hoạt động, đóng góp vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia, các chuyên gia kiến nghị cần hoàn thiện các khung khổ chính sách, hướng dẫn cho hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng xanh, bền vững.
Ngoài ra, xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư tài trợ vốn cho các dự án xanh, bền vững và khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hành ESG.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top