6 bệnh dễ nhầm lẫn với đột quỵ

Động kinh, co giật, tăng đường huyết đột ngột đều gây các triệu chứng như khó nói, tê liệt, đau đầu, dễ nhầm lẫn với đột quỵ.

Đột quỵ là tình trạng mạch máu lưu thông trong não tắc nghẽn hoặc vỡ. Các tế bào não hoặc nhu mô não bị tổn thương hoặc chết sau cơn đột quỵ. Các triệu chứng thường gặp, diễn ra nhanh như đột ngột tê hoặc yếu ở mặt, tay chân hoặc một bên cơ thể, khó nói, khó nhìn, đi lại khó khăn, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết động kinh, đường huyết không ổn định, đau nửa đầu, liệt dây thần kinh số 7, u não có các triệu chứng tương tự đột quỵ, dễ nhầm lẫn.

Động kinh, co giật: Đây là rối loạn điện đột ngột trong não, dẫn đến những thay đổi trong hành vi, di chuyển, cảm nhận của người bệnh.

Triệu chứng thường gặp như nhầm lẫn, quên tạm thời, mắt không tỉnh táo. Người bệnh khó kiểm soát hoặc co giật cánh tay và chân, mất ý thức, sợ hãi, lo lắng. Khi một cơn động kinh xảy ra, đầu tiên não có hoạt động không kiểm soát, sau đó chấm dứt cơn động kinh và hồi tỉnh lại. Khoảng thời gian mất ý thức này có thể giống như một cơn đột quỵ.

Đường huyết cao hay thấp: Tăng, hạ đường huyết đột ngột cũng dễ nhầm lẫn với đột quỵ. Não cần nguồn năng lượng chính là glucose (đường) để hoạt động. Tăng hoặc giảm lượng đường trong máu ảnh hưởng không tốt đến não.

Lượng đường trong máu thấp gây ra các vấn đề về lưu lượng máu, như nhịp tim không đều, mệt mỏi, da nhợt nhạt, run rẩy, lo lắng, đổ mồ hôi và cáu kỉnh. Đường huyết quá cao, thường là biến chứng của bệnh tiểu đường không được kiểm soát, gây đau đầu, mờ mắt, đi tiểu thường xuyên.

Chứng đau nửa đầu: Bệnh có 4 giai đoạn gồm tiền triệu (xuất hiện trước khi cơn đau xảy ra), hào quang, nhức đầu, hậu chứng (mệt mỏi, kiệt sức khi cơn đau đầu đi qua).

Triệu chứng mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng điển hình là nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và mùi. Người bệnh hay buồn nôn, đau nặng hơn khi ho, cảm thấy kiệt sức, yếu đuối, nhìn thấy hào quang (đèn nhấp nháy hoặc sáng, đường ngoằn ngoèo). Ở giai đoạn hào quang, mặt có thể rũ xuống, dễ nhầm với đột quỵ.

Liệt bell (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên): Tình trạng này còn gọi là liệt mặt vô căn, một dạng liệt mặt tạm thời hoặc yếu ở một bên mặt. Triệu chứng khác nhau ở mỗi người, mức độ nghiêm trọng từ yếu nhẹ đến tê liệt hoàn toàn các cơ mặt.

Một số triệu chứng điển hình của liệt bell gồm xệ miệng, chảy nước dãi, khó nhắm mắt, chảy nước mắt quá nhiều ở một bên mắt. Bệnh còn gây tê cứng, đau mặt, thay đổi vị giác, khó chịu đựng tiếng ồn lớn.

Đột quỵ thường có triệu chứng khó đi, khó nói, mất thăng bằng. Ảnh: Freepik

U não: Khối u não là sự phát triển của các tế bào bất thường trong các mô của não, có thể lành hoặc ác tính. Khối u não gây ra các triệu chứng giống đột quỵ, co giật, yếu liệt, giảm thị lực. Triệu chứng cụ thể tùy thuộc vào vị trí của khối u, bao gồm cả cản trở khả năng nói hoặc cử động.

Bệnh đa xơ cứng: Đây là bệnh về hệ thần kinh ảnh hưởng đến não và tủy sống. Bệnh làm hỏng vỏ myelin bao quanh và bảo vệ các tế bào thần kinh, chặn các thông điệp giữa não, cơ thể.

Một số triệu chứng điển hình như rối loạn thị giác, yếu cơ, khó phối hợp và cân bằng, cảm giác tê, kim châm hoặc có các vấn đề về tư duy, trí nhớ. Một số bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng huyết tấn công hệ thần kinh, dẫn đến triệu chứng tương tự đột quỵ.

Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo người bệnh nếu nhận thấy triệu chứng của đột quỵ hoặc tương tự nên đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng liên quan như chụp CT, MRI… giúp chẩn đoán chính xác. Người bệnh được cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch hoặc can thiệp mạch lấy cục máu đông ra ngoài.

Thời gian “vàng” cấp cứu là 3- 4,5 giờ sau khi có triệu chứng, có thể mở rộng 6-24 giờ tùy trường hợp và phương pháp can thiệp. Nếu cấp cứu quá muộn, não bị tổn thương không thể phục hồi.

PV
Theo: T/h
Spread the love
Back To Top