Đây là phiên tăng thứ 8 liên tiếp của Dow Jones, đánh dấu chuỗi phiên tăng dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 9/2019…
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/7), khi mùa báo cáo tài chính quý 2 tiếp tục gây hưng phấn cho nhà đầu tư, đưa chỉ số Dow Jones đạt chuỗi phiên tăng dài nhất trong gần 4 năm. Giá dầu thô giảm nhẹ do áp lực chốt lời.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 109,28 điểm, tương đương 0,31%, đạt 35.061,21 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,24%, đạt 4.565,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,03%, đạt 14.358,02 điểm.
Đây là phiên tăng thứ 8 liên tiếp của Dow Jones, đánh dấu chuỗi phiên tăng dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 9/2019.
Trong bối cảnh thiếu vắng các số liệu kinh tế vĩ mô, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư tiếp tục hướng đến mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Ngân hàng Goldman Sachs báo lợi nhuận không đạt kỳ vọng nhưng doanh thu cao hơn dự báo. Chốt phiên, cổ phiếu ngân hàng này tăng gần 1%.
Một số cổ phiếu tài chính-ngân hàng khác cũng tăng mạnh, như US Bancorp tăng 6,5% và J.B. Hunt tăng 3,7%.
Đến thời điểm này, mùa báo cáo tài chính quý 2/2023 ở Phố Wall đã có một sự khởi đầu mạnh mẽ. Trong số các công ty S&P 500 đã báo cáo tính đến hiện tại, 78% đạt kết quả vượt dự báo – theo dữ liệu từ FactSet.
Đối với nhà đầu tư, xu hướng tăng gần đây của thị trường củng cố kịch bản nền kinh tế Mỹ sẽ có được một cuộc hạ cánh mềm. Đây là kịch bản chiếm ưu thế trong triển vọng kinh tế Mỹ kể từ loạt số liệu lạm phát khả quan được công bố vào tuần trước.
“Lợi nhuận của các ngân hàng là tốt hơn những gì nhà đầu tư lo lắng trước đây, và đẩy cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi mùa xuân lùi xa hơn vào dĩ vãng. Thị trường tiếp tục giao dịch như thể sẽ có một cuộc ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế”, trưởng bộ phận trái phiếu và giao dịch của DWS Group, ông George Catrambone, nhận định.
Tuần tới, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Giới đầu tư đinh ninh Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này.
“Rõ ràng, thị trường đang đánh giá nhanh về cuộc họp của Fed. Trong ngắn hạn, chúng ta đang ở trong ‘trạng thái vàng’ của nền kinh tế, với tin tốt đích thị là tin tốt, mà tin xấu cũng là tin tốt”, chiến lược gia trưởng Rhys Williams của Spouting Rock Asset Management nhận định.
Ông Williams cảnh báo rằng nếu tuần tới, Fed phát tín hiệu sẽ tăng thêm lãi suất sau tháng 7, đợt tăng này của thị trường có thể bị đảo ngược.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,4 USD/thùng, còn 75,35 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,17 USD/thùng, còn 70,46 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng vào đầu phiên giao dịch do số liệu hàng tuần cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm và Trung Quốc cam kết sẽ bổ sung các biện pháp kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã khiến giá dầu quay đầu, giảm vào cuối phiên.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 708.000 thùng trong tuần trước, còn 457,4 triệu thùng. Tuy nhiên, mức giảm này ít hơn nhiều so với mức dự báo giảm 2,4 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Báo cáo cũng cho thấy dự trữ dầu lửa chiến lược của Mỹ (SPR) đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, do Mỹ bắt đầu làm đầy lại dự trữ này sau đợt xả dầu vào năm ngoái. “Điều này nhắc nhở chúng ta rằng việc xả SPR đã kết thúc và thị trường dầu sẽ vững lên”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Trong một động thái có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu, giới chức Trung Quốc hôm thứ Ba cam kết sẽ triển khai thêm các biện pháp chính sách để “khôi phục và mở rộng” tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các biện pháp cụ thể là gì.