Chuyên nghiệp trong bóng đá nữ và từ pha bóng chạm tay của hậu vệ Nam Định

Liệu có gì giống nhau giữa việc đội tuyển nữ Việt Nam không thể tạo được dấu ấn tại kỳ World Cup lịch sử, với pha để bóng chạm tay trong vòng cấm của hậu vệ Nam Định ở trận thua phút cuối trước CAHN?

Chắc chắn là không giống nhau, nhưng nếu nhìn ở góc độ của cả nền bóng đá, thì vẫn có một điểm chung. Và đó chính là chìa khóa để mở cánh cửa cho bóng đá Việt Nam nếu muốn bước ra thế giới rộng lớn.

1. Không nên quá buồn hay thất vọng về kết quả thi đấu của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023. Nó không khác gì lắm so với những dự báo, hay thậm chí cả các đánh giá lạc quan nhất trước khi giải đấu này khai diễn. Thực tế cho thấy những gì mà VFF dồn sức cho đội tuyển nữ có thể nói là “chưa từng có”. Tập huấn dài ngày ở châu Âu, gặp toàn đối thủ đẳng cấp rất cao, sang New Zealand rất sớm để quen điều kiện thời tiết. Nói một cách khác, chúng ta đã làm mọi thứ tốt nhất có thể cho kỳ World Cup lịch sử. Ở khía cạnh nào đó, các cầu thủ cũng đã nỗ lực hết sức để xứng đáng với kỳ vọng.

Nhưng qua từng trận đấu ở World Cup 2023, chúng ta thấy rõ ràng những hạn chế quá lớn. Với chiều cao trung bình thấp thứ 2 toàn giải, cầu thủ Việt Nam không thể thắng trong các pha tranh chấp và tầm cao với các đối thủ nặng hơn 20kg, cao hơn cả một cái đầu. Trung bình mỗi trận đấu, Việt Nam chỉ có 250 đường chuyền và đạt tỷ lệ chính xác chỉ 58%, nằm trong số 4 đội có chỉ số này thấp nhất giải.

Nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy trong nhóm các đội lần đầu dự World Cup như Việt Nam, thì các đội có được chiến thắng đầu tiên là Philippines, Marốc, Bồ Đào Nha, Zambia có điểm chung: thể hình tốt. Cần phải thực tế, ở sân chơi thế giới, thể hình vẫn là yếu tố tiên quyết.

Nhưng liệu thể hình có phải là nguyên nhân? Nhật Bản chỉ có chiều cao trung bình nằm trong Top 5 đội thấp nhất giải cùng với Việt Nam và Nam Phi, Zambia. Nhưng các đội bóng đó đều có những trận đấu ấn tượng. Nhật Bản hạ gục Tây Ban Nha 4-0 còn Nam Phi thì vào vòng 16 đội, Zambia thấp nhất giải nhưng có chiến thắng trước Costa Rica.

Ở một góc độ khác, nếu chúng ta nhìn sang đội tuyển bóng chuyền nữ thì thấy là đâu có thiếu phụ nữ Việt Nam cao lớn. Bóng chuyền nữ Thái Lan cũng đâu phải cao hơn chúng ta, nhưng họ nằm trong nhóm Elite của thế giới. Vấn đề lớn nhất nằm ở chất lượng chuyên môn, mà nói cho sòng phẳng đó là bóng đá nữ Việt Nam vẫn thuộc nhóm bán chuyên nghiệp, là một thành phần chưa được chuyên nghiệp nói chung của nền bóng đá quốc gia.

Có một con số thế này: Hà Lan dân số chỉ hơn 17 triệu người nhưng trong 2,3 triệu cầu thủ chuyên nghiệp thì có đến gần 200.000 là nữ. Năm 2015, Tây Ban Nha cũng lần đầu tiên dự World Cup như Hà Lan, họ còn toàn thua đứng bét bảng mà giờ lại đang là đội hạng 6 thế giới. Bồ Đào Nha đúng là mới dự World Cup lần đầu, nhưng hồi năm ngoái, trận “derby” giữa Benfica và Sporting có đến 25.000 khán giả đến sân.

Liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha “ép” các CLB nam phải có đội bóng nữ, và thế là giải vô địch nữ của Bồ Đào Nha có 3 CLB hoàn toàn chuyên nghiệp được đặc cách tham gia thuộc quyền quản lý của các CLB nam.

Thực tế tại World Cup nữ 2023 cho thấy, ở sân chơi thế giới, thể hình vẫn là yếu tố tiên quyết. Ảnh: Đức Đồng

Trong khi đó, rất khó để thống kê có bao nhiêu cầu thủ chuyên nghiệp nữ ở Việt Nam. Số CLB dự giải VĐQG của chúng ta là 8, tức là chỉ khoảng trên dưới 1.000 cầu thủ, bao gồm tuổi U. Chúng ta không có giải hạng Nhất, nhiều đội bóng trực thuộc địa phương thì cầu thủ sống bằng phụ cấp đào tạo chứ không phải lương chuyên nghiệp.

Một cái “chân đế” bé nhỏ, tối thiểu về nhân lực như vậy, làm sao tìm được cầu thủ cao to để còn bồi dưỡng thêm kỹ chiến thuật, bắt buộc phải “có gì dùng nấy”. Nói cách khác, muốn thay đổi về hình thể hay chuyên môn, thì cứ phải làm sao cho bóng đá nữ chuyên nghiệp trước đã. Cần nhớ là giải VĐQG nữ có từ năm 1998 đến nay, đã 25 năm rồi mà còn chưa có hệ thống thăng – xuống hạng.

2. Và chuyện để bóng chạm tay của hậu vệ Ngô Đức Huy trong trận Nam Định – CAHN tại vòng 4 giai đoạn 2 Night Wolf V-League 2023 hôm thứ Tư (2/8) cũng không nằm ngoài 2 chữ: Chưa chuyên. Trước trận đấu này, có nhiều người tin rằng CAHN sẽ thắng và đẩy cuộc đua vô địch đến cao trào bằng trận “chung kết sớm” với Hà Nội FC tại vòng 5 cuối tuần này, nhưng không ai nghĩ đến chuyện Nam Định lại thua theo một cách như thế. Thua bằng việc sử dụng nhân sự và thua bằng một cú cố tình giơ tay thật cao để đối phương.. sút vào tay!?

Chúng ta tạm bỏ qua những nhận định có hơi hướng tiêu cực, chỉ tạm phân tích tình huống khó tin của Ngô Đức Huy dẫn đến phạt đền. Không ai chơi bóng chuyên nghiệp mà lại có tư thế phòng ngự như vậy cả. Thậm chí, chơi hạng Nhì (bán chuyên) hay sân phủi cũng không đứng trong vòng cấm chống một quả tạt bằng cách giơ rộng tay đến mức như vậy. Vấn đề đặt ra ở đây, là cầu thủ quá nghiệp dư hay bản chất của trận đấu này là thiếu chuyên nghiệp?!

Một phép so sánh nhỏ. Nam Định đang là đội đứng trong nhóm có thể tranh vô địch và thực tế là họ đã thắng Thanh Hóa, hòa Viettel chỉ hơn 1 tuần trước. Họ là đội bóng thủng lưới ít thứ nhì giải đấu, và trước trận với CAHN, là đội có số trận thua cũng thuộc vào dạng ít nhất.

Vậy thì tại sao một đội bóng ở trình độ tốp đầu như thế lại xuất hiện một cầu thủ có pha bóng nghiệp dư đến thế? Hãy nhớ rằng, trước pha phạt đền, Nam Định chơi với chất lượng tương đương CAHN vốn đang có Fillip Nguyễn, Quang Hải, Văn Thanh, Tấn Tài…, tức là những người chuyên nghiệp trên sân.

Như đã nói, tạm bỏ qua yếu tố tiêu cực của trận đấu này, thì đó chính là điểm chung giữa thất bại của bóng đá nữ và một tình huống trong trận đấu tại V-League. Chung quy, vẫn là yếu tố chuyên nghiệp quá mơ hồ của bóng đá Việt Nam.

V-League đang áp dụng VAR, mục đích là tăng tính chuyên nghiệp cho giải đấu, nhưng thử hỏi với tình huống chơi bóng bằng tay lộ liễu như thế thì cần gì đến VAR? Không thể phát triển một nền bóng đá khi còn chuyện “trống xuôi, kèn ngược”, một đằng thì cố gắng chuyên nghiệp nhưng các hạt sạn của tính nghiệp dư thì vẫn tồn tại.

Chúng ta hay nói về những bất lợi thể hình khi bước ra biển lớn, nhưng điểm yếu đó có thể thay đổi bằng sự chuyên nghiệp của cầu thủ, chất lượng thi đấu của hệ thống nội địa và tư duy chơi bóng nhà nghề của cầu thủ. Nói cho cùng, đâu phải quốc gia nào có thể chất con người tốt cũng đều có nền bóng đá mạnh và dự World Cup… 

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top