Chức vô địch của U23 Việt Nam không phải là bất ngờ bởi ngoài cú hụt chân ở trận bán kết SEA Games 32, thì các đội tuyển U của Việt Nam vẫn luôn là ứng cử viên lớn của các giải vô địch Đông Nam Á. Thế nên, thay vì mải mê ăn mừng chiến thắng của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thì có lẽ chúng ta nên tranh thủ rút ra những bài học, bởi trước mắt là các đấu trường quan trọng hơn nhiều: Asiad 19 và vòng loại U23 châu Á 2024.
Bài học đầu tiên đó chính là… sự xuất hiện của HLV Shin Tae Yong với tư cách làm HLV đội U23. Ở SEA Games, U22 Indonesia đoạt HCV với một HLV nội, một cựu danh thủ của bóng đá xứ Vạn đảo. Cách dùng HLV của bóng đá Indonesia là một điểm rất dở. Họ không hề thiếu tiền, nhưng cái cách họ dồn hết mọi kỳ vọng vào nhà cầm quân từng dự World Cup như ông Shin quả là khó hiểu.
Ông này cầm U20, rồi U23 và đội tuyển, nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có thành công nào đặc biệt cả. Cũng vì đội nào cũng giao cho ông Shin nên nếu nói HLV Hoàng Anh Tuấn biết trước U23 Indonesia đá kiểu gì trong trận chung kết thì cũng không có gì ngạo mạn cả. Cùng một nhóm cầu thủ, cùng một HLV, thì chắc chắn cũng chỉ có một lối chơi.
Việc Indonesia kiên định với HLV Shin Tae Yong là điều rất đáng ngạc nhiên bởi cái mô hình “tất cả trong 1” này không còn phù hợp với bóng đá Đông Nam Á. Thái Lan đã bỏ, Việt Nam cũng đã có các động thái từ bỏ sau khi HLV Hoàng Anh Tuấn được bổ nhiệm thay HLV Philippe Troussier ở một số đấu trường, Malaysia cũng thế.
Bài học kế tiếp, đó chính là hãy tin vào các cầu thủ trẻ. Đã đến lúc chúng ta áp dụng mô hình dùng các cầu thủ ít tuổi hơn so với trần qui định khi tham gia các giải U. Người Nhật, người Hàn đã làm điều này từ lâu. Ngoại trừ các giải có liên quan đến việc giành suất dự Olympic hay World Cup, thì những giải U thường niên của châu Á các nền bóng đá này đều chỉ cử đội B tham gia.
Dễ hình dung, chúng ta cứ nhìn đội U23 mà HLV Troussier đang tập trung. Rất nhiều người trong số họ đang chơi ở giải hạng Nhất, hạng Nhì. Về mặt chuyên môn mà nói, họ khó đủ chất lượng để trở thành một tuyển thủ U23 chính thức, nhưng họ vẫn có thể trở thành một đội U23 B, tham gia một giải đấu nào đó ít tính quyết định. Các cầu thủ U23 chính thức chỉ nên chọn từ các CLB V-League, và cũng ở những lúc cần thiết mà thôi. Đội U23 của HLV Hoàng Anh Tuấn có khá nhiều cầu thủ trẻ nhưng vẫn vô địch Đông Nam Á đấy thôi…
Bóng đá Việt Nam cần có thêm nhiều HLV mát tay với bóng đá trẻ như ông Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Song Ngọc
Nhưng qua đó, cũng thấy rằng việc có những HLV chuyên biệt cho các đội U cũng rất cần thiết. Năm ngoái, chúng ta “suýt” làm được điều đó khi HLV Gong Oh Kyun được khoán đội U23 song song với HLV Park Hang Seo. Ông Gong đã không làm việc nữa, nhưng có vẻ như VFF cũng đã nắm bắt được sự cần thiết trong việc tách nhiệm vụ của 2 đội tuyển nên mới bổ nhiệm ông Hoàng Anh Tuấn cho một số đấu trường mà ông Troussier không thể đảm nhiệm.
Trong bóng đá chuyên nghiệp, có những sự khác biệt rất cơ bản giữa các HLV chuyên đào tạo trẻ, HLV huấn luyện bóng đá trẻ và các HLV chuyên nghiệp. Trên thế giới, có khá ít trường hợp HLV ở đội trẻ thành công rồi cũng sau đó làm tốt công việc tại đội tuyển. Tiêu biểu là HLV Jose Pekerman của Argentina. Ông này có 3 chức vô địch trẻ thế giới, phát hiện ra vô số siêu sao bao gồm Messi, nhưng lại chưa từng thành công khi dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, từ Argentina đến Colombia, Venezuela.
Để làm HLV của các đội U, cần có những tố chất nhất định. HLV Hoàng Anh Tuấn là một ví dụ. Mặc dù danh hiệu ở vai trò HLV các đội U của ông chỉ mới duy nhất vừa có ở giải U23 Đông Nam Á lần này nhưng ông Tuấn đã để lại dấu ấn lớn khi cùng U19 Việt Nam vào bán kết giải U19 châu Á năm 2016 cũng như dự U20 World Cup 2017. Trong 3 năm qua, ông Tuấn lần lượt “nắm” các đội U17, U19, U20 và hiện tại là U23. Tính từ sau khi rời ghế HLV của Hải Phòng năm 2014 đến nay, ông Tuấn chuyên biệt huấn luyện bóng đá trẻ và ở Việt Nam có lẽ ông là người duy nhất đi “đường ngược”: Từ HLV V-League trở thành HLV bóng đá trẻ.
Nhưng nếu nhìn vào những gì mà ông Hoàng Anh Tuấn đã có, chúng ta thấy ưu điểm của một nhà cầm quân chuyên biệt cho bóng đá trẻ. Tiếc là ở Việt Nam không có nhiều người như ông Tuấn, mặc dù chúng ta không thiếu HLV. Sự thiếu hụt này cũng có nguyên nhân, đó là vì các CLB chuyên nghiệp không chăm lo đúng mức cho các tuyến U. Hãy hình dung, nếu 26 CLB chuyên nghiệp (bao gồm V-League và hạng Nhất) mà đều có đủ 3 tuyến U theo qui chế, thì sẽ có ít nhất cũng vài chục HLV chuyên dẫn dắt đội trẻ thi đấu. Cũng như chính các cầu thủ trẻ, HLV kiểu như ông Hoàng Anh Tuấn cũng chẳng có nơi nào để chuyên tâm cho công việc mài giũa tài năng của mình cả.