VAR chưa chạm nổi vào V-League

Trong ngày đầu tiên được áp dụng ở V-League, hệ thống VAR đã gây tranh cãi vì một bàn thắng mà cho dù đã nhận được sự hỗ trợ của công nghệ, trọng tài vẫn phải chấp nhận rằng quyết định công nhận nó vẫn nằm trong một “vùng xám”.

Phút 73 trận HAGL gặp Hải Phòng, một cầu thủ áo trắng tung người móc bóng trúng trung vệ Diakite của HAGL. Trọng tài chính Nguyễn Đình Thái không thổi phạt đền, nhưng tổ VAR đã nghi ngờ rằng bóng chạm tay Diakite và yêu cầu ông Thái xem lại băng ghi hình.

Ông Thái sau đó mất đến 7 phút mới quyết định thổi phạt đền, nhưng xem lại băng hình thì cũng thật khó cho ông: Các góc quay không đủ và chỉ từ hướng ghi hình chính diện, ông không thể ra quyết định dứt khoát hơn. Thậm chí các khán giả xem lại có lẽ cũng không dám chắc rằng đấy rốt cục có phải một quả phạt đền chuẩn xác hay không.

Ngay cả các chuyên gia cũng không dám khẳng định chắc chắn, sau khi trận đấu kết thúc. Trên trang Facebook cá nhân, cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn, giảng viên FIFA, cũng bày tỏ: “VAR đã đặt bao nhiêu camera và chất lượng hình ảnh ra sao? Đủ để gọi là VAR không?”

Thật trùng hợp cũng chỉ cách đây gần một tháng thôi, Hội đồng trọng tài Anh vừa phải thừa nhận sai lầm do VAR ở trận Tottenham gặp Liverpool. Phút 33 trận ấy, Luis Diaz thoát xuống nhận đường chọc khe của Salah trước khi dứt điểm tung lưới Spurs. Trọng tài biên căng cờ báo việt vị, không công nhận bàn thắng.

Điều đáng nói là trong phòng VAR, các trọng tài cũng không kẻ vạch để xác định xem liệu Diaz đã rơi vào thế việt vị hay chưa. Sau đó, cơ quan giám sát các trọng tài của giải Ngoại hạng Anh đã thừa nhận rằng tổ VAR đã mắc sai lầm. Đây là một tình huống VAR đáng ra phải can thiệp và công nhận bàn thắng hợp lệ cho Liverpool.

“Chúng ta cần VAR, ngay bây giờ. Tôi nghĩ chúng ta cần VAR” – Đó là phản ứng của HLV Rafa Benitez ngay sau khi trọng tài Mike Dean đuổi DeAndre Yedlin sau khi Newcastle của ông thua Wolves vào tháng 12/2018.

Vẫn còn nhiều vấn đề khi vận hành VAR ở V-League

Kể từ đầu mùa trước tới nay, cơ quan giám sát trọng tài ở Anh đã thừa nhận sai lầm trong14 trường hợp. Cá biệt có trường hợp của Arsenal, hai lần nhận lời… xin lỗi mùa trước. Cả hai lỗi đều gây thiệt hại nghiêm trọng đến kết quả trận đấu: Một tình huống Martin Odegaard bị phạm lỗi khiến Arsenal bị thủng lưới sớm trong trận thua MU vào tháng Chín, trong khi một tình huống việt vị bị bỏ qua đã khiến họ đánh mất hai điểm trong cuộc đua vô địch, trong trận gặp Brentford.

Tương tự, Giám đốc ban trọng tài Howard Webb đã từng phải trực tiếp gặp HLV của Brighton, Roberto De Zerbi, để xoa dịu một bàn thắng bị từ chối sai ở trận Brighton gặp Crystal Palace. Hai tháng sau, Webb vẫn phải xin lỗi công khai, vì Brighton bị từ chối oan một quả penalty trong trận gặp Tottenham.

Những giới hạn đã bộc lộ nhiều đến độ dư luận Anh còn đặt câu hỏi rằng liệu VAR có phải là một cuộc chơi “vẽ rắn thêm chân” vô bổ. Tờ The Guardian còn giật tít rằng “những sai lầm của VAR đe dọa kéo Premier League vào vũng bùn của những âm mưu tăm tối”. DailyMail tuyên bố rằng các sai lầm giờ đây có thể diễn ra một cách tinh vi hơn, dưới vỏ bọc là hệ thống tối tân hỗ trợ trọng tài.

Có lẽ khi áp dụng hệ thống này vào V-League, đa số chúng ta cũng đều, như HLV Benitez trước đây, tin rằng nó có thể sửa chữa lại những sai lầm đang khiến giải đấu phải đau đầu. Làm gì có chuyện sai lầm nữa, khi ngoài một ông trọng tài trên sân, lại còn vài ông trọng tài khác ngồi xem lại quay chậm trên băng hình để cảnh báo, rồi trọng tài chính lại ra xem lại băng hình một lần nữa?

Nhưng kinh nghiệm của Premier League cho thấy rằng ngay cả khi bổ sung thêm các góc quay truyền hình sang xịn mịn, thì sai lầm vẫn có thể diễn ra, thậm chí với mật độ không thể coi thường. Cuối cùng thì một hệ thống dù hiện đại đến đâu, nhưng được vận hành bởi con người, vẫn sẽ bộc lộc những sơ hở rất con người. Chúng ta sẽ không thể quá cầu toàn khi áp dụng VAR, với những góc quay hạn chế và trong một bối cảnh phức tạp như thế. Chúng ta chỉ kỳ vọng rằng một quyết định được trợ giúp bởi VAR sẽ giúp giảm áp lực cho các trọng tài, trong bối cảnh bất kỳ quyết định nào của họ đều bị liệt vào dạng “nhạy cảm”, và có thể thổi bùng sự phẫn nộ của dư luận, vốn chưa bao giờ đặt niềm tin vào giới cầm còi Việt Nam.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top