Đắk Lắk: Tăng xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo ở vùng dân tộc

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 150.000 người, trong đó đưa 7.000-7.500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Lao động chuẩn bị xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đắk Lắk là địa phương có dân số trẻ, nguồn lao động khá dồi dào. Do đó, các cấp, ban, ngành đã tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ mục đích và nhiệm vụ về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống; đồng thời, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Phát huy hiệu quả

Cư Kuin là địa phương thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Huyện có gần 70.000 người trong độ tuổi lao động, số lao động có việc làm chiếm 82,6%.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Y Ngơn Niê, địa phương xác định công tác xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp tạo việc làm có mức thu nhập cao góp phần giảm nghèo bền vững, thay đổi tư duy, trình độ sản xuất của người lao động, người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Do đó, huyện luôn quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đặc biệt là tổ chức hội nghị đối thoại với người nghèo, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động.

Huyện đã chỉ đạo các đơn vị biên soạn nhiều nội dung bằng tiếng Ê đê để tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số nắm được các chủ trương, chính sách về xuất khẩu lao động. Các đơn vị, doanh nghiệp đến địa bàn tư vấn, tuyển dụng luôn được tạo điều kiện để tiếp cận với người lao động.

Từ năm 2019 đến hết tháng 10/2023, địa phương có gần 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, 10 tháng năm 2023, có 168 lao động tham gia.

Kết thúc hợp đồng làm việc trở về địa phương, phần lớn các lao động đều tích lũy từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng để làm vốn phát triển kinh tế gia đình.

Chị Bùi Thị Như Phượng (tại thôn 1B, xã Cư Êwi) thuộc hộ cận nghèo. Năm 2018, chị Phượng đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Trong quá trình làm việc, chị đã gửi tiền về để bố mẹ xây nhà, phát triển kinh tế, đầu tư mua đất trồng cây ăn trái và chăn nuôi dê, bò.

Đến năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo. Đầu năm 2022, chị Phượng tiếp tục xin gia hạn hợp đồng ở lại Nhật Bản để làm việc.

Huyện biên giới Ea Súp là địa phương có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn với 29 dân tộc cùng sinh sống. Huyện có 8 xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm hơn 42,7% dân số.

Với mục tiêu hỗ trợ việc làm bền vững, địa phương đã ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch thực hiện hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm; trong đó, chú trọng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo bà Hoàng Thị Kiều Oanh, Phó Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp, từ năm 2019 đến nay, địa phương có khoảng 170 người đi xuất khẩu lao động tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…

Năm 2023, huyện đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Nhân dân huyện với Chính quyền huyện Iksan, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) trong lĩnh vực nông nghiệp. Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức 2 đợt, đưa 72 người đi lao động thời vụ 3 tháng tại Hàn Quốc.

“Trong năm 2023, huyện thực hiện khá thành công việc tạo điều kiện cho người dân di xuất khẩu lao động. Những năm tiếp theo, định hướng của Ủy ban Nhân dân huyện sẽ tiếp tục ký kết và đưa người lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc. Lao động thời vụ sau 3 tháng, thu nhập khoảng 60 – 70 triệu đồng/người/đợt (sau khi trừ chi phí). Nhiều lao động đi đợt 1, khi trở về Việt Nam, lại tiếp tục được chủ doanh nghiệp mời đi lao động thời vụ đợt 2,” bà Hoàng Thị Kiều Oanh thông tin.

Đắk Lắk là địa phương có dân số trẻ với hơn 1,9 triệu người. Lực lượng lao động của tỉnh dồi dào (chiếm 58,7% dân số). Giai đoạn 2019 đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có 5.763 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

Các thị trường chủ yếu Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… với các ngành nghề như cơ khí, sản xuất chế tạo, xây dựng, lắp ráp điện tử, nông nghiệp… Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.

Những lao động đã làm việc ở nước ngoài khi về nước trình độ tay nghề, kiến thức, ngoại ngữ… được nâng lên. Đây là nguồn nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thuộc lĩnh vực đòi hỏi trình độ, tay nghề, kỹ thuật cao.

Nhiều giải pháp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, Đắk Lắk phấn đấu giải quyết việc làm cho 150.000 người; đưa 7.000-7.500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Lao động Việt Nam làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc (Ảnh: PV/vietnam+)

Đến nay, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 3.480 người (bằng 50% kế hoạch). Để đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, các cấp, ngành đang thực hiện nhiều giải pháp.

Theo Phó Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp Hoàng Thị Kiều Oanh, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân đi xuất khẩu lao động, năm 2023, địa phương đã mở các lớp tập huấn cho cộng tác viên ở địa bàn về hỗ trợ, tư vấn cho lao động; xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho lao động đủ điều kiện đi làm việc nước ngoài.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường mở các Phiên giao dịch việc làm. Qua đó, cung cấp thông tin cho người dân địa phương tìm kiếm việc làm trong nước, ngoài nước; hàng tháng, quý, cung cấp thông tin việc làm đến người lao động để họ đăng ký tham gia theo nhu cầu; làm việc với các Hội, đoàn thể huyện để lồng ghép thông tin việc làm cho các chi hội, đoàn thể, thôn, buôn sinh hoạt.

Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã triển khai các chương trình tín dụng; trong đó có xuất khẩu lao động. Giai đoạn 2019-2023, Ngân hàng đã giải ngân cho 180 lượt người vay vốn, với gần 14 tỷ đồng.

Để tiếp tục thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả, ông Đào Thái Hòa đề nghị, thời gian tới, tỉnh cần có cơ chế, chính sách thông thoáng để người dân được vay vốn đủ mức đi xuất khẩu lao động không phải thế chấp tài sản.

Ngân hàng chính sách sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có nhu cầu vay vốn về thủ tục, thời gian, trách nhiệm. Người dân có đủ điều kiện xuất khẩu lao động sẽ được giải ngân vốn.

Theo Cục Trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình, để công tác đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài đạt hiểu quả, thời gian tới, Đắk Lắk cần xác định nguồn lao động, chiến lược đưa lao động đi nước nào, từ đó xây dựng công tác đào tạo ngay tại địa bàn; xây dựng kế hoạch phân luồng, kết hợp địa chỉ để mở các chương trình đào tạo.

Tỉnh cần xác định việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành công tác thường xuyên, chiến lược. Qua đó, không chỉ thay đổi tư duy, cách làm việc mà còn tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Quang Thuân hiện nay, Đắk Lắk có đăng ký thỏa thuận với tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) và 3 địa phương đã đưa hơn 100 lao động đi lao động thời vụ. Sở đang tăng cường kết nối giữa các huyện với Hàn Quốc; tiếp tục liên kết cho hai huyện Krông Năng và Ea H’Leo.

“Đến nay, huyện tích cực triển khai và đạt hơn 50% kế hoạch; phấn đấu trong giai đoạn 2024-2025 sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra. Vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Đây là chủ trương lớn. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành Chương trình 39-CTr/TU, ngày 27/4/2023 về triển khai Chỉ thị 20-CT/TW. Thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền các cấp, công tác đưa người lao động làm việc ở nước ngoài sẽ đạt kết quả đề ra,” ông Nguyễn Quang Thuân thông tin./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top