Ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trên không gian mạng.

Bình quân mỗi năm, tổ chức nhận được hơn 3.000 tin báo về các vi phạm động vật hoang dã, trong đó 3 tháng đầu năm 2023, ghi nhận 418 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) trên không gian mạng, chủ yếu là hành vi quảng cáo, rao bán ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD. Đây là con số được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) công bố tại tọa đàm vềDoanh nghiệp thương mại điện tử tiên phong chống buôn bán động vật hoang dã trực tuyến, hướng đến phát triển bền vững” ngày 22/08.

Hiện trạng buôn bán ĐVHD trên không gian mạng xã hội.

Hiện nay với sự phát triển liên tục và ngày càng mở rộng của thương mại điện tử (TMĐT) đã thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT như Sendo, Tiki, Shopee và mạng xã hội nhiều tương tác như Facebook, Zalo, và TikTok. Hàng hóa trong đó bao gồm cả động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) thuộc Danh mục đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm hoặc hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại cũng như các sản phẩm của chúng như sừng tê giác, ngà voi, cao hổ cốt, vẩy tê tê cũng đang được quảng cáo và rao bán công khai trên mạng Internet và ngày càng tăng lên; chỉ cần có nhu cầu thật sự, người mua và người bán dễ dàng kết nối và giao dịch thành công trên mạng. Việc quản lý mua bán trực tuyến đang còn thiếu các quy định rõ ràng để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua bán sản phẩm này.

Bà Bùi Thúy Nga, Cán bộ Chương trình, TRAFFIC Việt Nam cho biết, tình trạng mua bán trái phép động vật và các sản phẩm động vật hoang dã trên mạng xã hội diễn ra rầm rộ, nhất là hai trang mạng xã hội Facebook và Zalo.

Tọa đàm về “Doanh nghiệp thương mại điện tử tiên phong chống buôn bán động vật hoang dã trực tuyến, hướng đến phát triển bền vững”

Tại hai mạng xã hội này, voi và các sản phẩm từ ngà voi được bán, cũng như được tìm kiếm nhiều nhất, chỉ cần gõ chữ “ngà voi” chưa đầy một giây công cụ tìm kiếm Google đã tìm thấy hơn 1,5 triệu kết quả; bên cạnh đó, chim bìm bịp, rắn hổ mang chúa, mật gấu, sừng tê giác,… cũng được rao bán công khai. Các sản phẩm thường được rao bán mạnh mẽ vào thời điểm trước Tết hay lễ hội.

Theo thống kê của EVN, trong quý đầu tiên năm 2023, cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV đã ghi nhận tổng số 808 vụ vi phạm, trong đó có 46 vụ vận chuyển và buôn bán ĐVHD quy mô lớn, 588 vụ quảng cáo và bán lẻ ĐVHD. Theo đó, 74% trong tổng số 472 vụ do người dân phát hiện và trực tiếp thông báo đến ENV đã được xử lý thành công. Tình trạng vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng trong những năm gần đây chưa có dấu hiệu suy giảm.

Rất nhiều cá nhân ngang nhiên rao bán các sản phẩm từ ĐVHD trên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều đối tượng buôn bán, quảng cáo ĐVHD và sản phẩm ĐVHD đã bị các cơ quan chức năng xử phạt với khung cao nhất nhằm tạo tính răn đe trong xã hội. Gần đây nhất, vào ngày 17/4/2023, Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt một người phụ nữ 15 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép 20 móng gấu.

Tuy nhiên, người bán nhận thức rõ được hành vi vi phạm pháp luật của mình, nên các thủ đoạn rao bán sản phẩm động vật hoang dã trên mạng xã hội ngày càng tinh vi hơn, như cố tình viết sai chính tả, thậm chí viết sai quy cách, hay dùng tiếng lóng để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng như của các sàn thương mại điện tử.

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp thương mại điện tử.

Nhận thức được những rủi ro của hoạt động này đối với cộng đồng TMĐT, từ năm 2015, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã ký Thỏa thuận Hợp tác nhằm định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng TMĐT trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên.

Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 3000+ doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT tiếp cận đến các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đấu tranh phòng chống các hoạt động buôn bán và sử dụng ĐTVHD trái phép trên mạng xã hội. Hơn 200 doanh nghiệp TMĐT đã ký cam kết không tham gia, tạo điều kiện và nói không với các hoạt động quảng cáo, rao bán ĐTVHD trái phép trong hoạt động kinh doanh của mình.

Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, trong đó nhấn mạnh việc xử lý vi phạm về ĐVHD trên Internet như một trong những ưu tiên hàng đầu. Các hoạt động quảng cáo và buôn bán ĐVHD trái phép trên không gian mạng không chỉ tác động đến đa dạng sinh học của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp trên trường quốc tế. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu các lực lượng chức năng “phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật ĐVHD trên các trang thông tin điện tử”.

Ông Bùi Đăng Phong, Phó giám đốc Văn phòng Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp – Tổ chức WWF.

Ông Bùi Đăng Phong, Phó giám đốc Văn phòng Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp – Tổ chức WWF, cho biết “Với sứ mệnh của tổ chức mong muốn sự hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước, tăng cường năng lực thực thi pháp luật của các đơn vị công an, hải quan, kiểm lâm; cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc cung cấp thêm thông tin, kiến thức, trang bị thêm kỹ năng, công cụ để doanh nghiệp có thể ứng phó, đối phó tốt hơn với các rủi ro từ buôn bán động vật hoang dã trái phép

Tại Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (Nghị định 85/2021/NĐ-CP) có quy định những mặt hàng cấm buôn bán trên mạng bao gồm động, thực vật hoang dã nguy cấp được pháp luật bảo vệ; những người vi phạm điều luật trên sẽ bị xử phạt theo quy định áp dụng với hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại cửa hàng, cửa hiệu. Theo Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm./.

Theo: VECOM
Spread the love
Back To Top