Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần xử lý các bất cập về bồi thường, hỗ trợ, tái định

Trong các vấn đề lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những nội dung được người dân, dư luận hết sức quan tâm là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, một vấn đề dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện thời gian qua.

* Nhiều người dân không thích nhận bồi thường bằng tiền

Theo Tiến sĩ Bùi Đức Hiển – Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), hiện nay, pháp luật quy định nguyên tắc xuyên suốt là thu hồi đất nào thì bồi thường đất đó cùng mục đích sử dụng. Không có đất cùng mục đích sử dụng mới bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đa số các dự án thu hồi đất đều không có quỹ đất cùng mục đích sử dụng đất cùng loại để bồi thường.

“Trong khi về phương án bồi thường bằng tiền, thực tiễn cho thấy giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường lại thấp hơn giá thị trường khá nhiều. Vì vậy, người có đất bị thu hồi rất ‘kỵ’ với việc nhận bồi thường bằng tiền,” ông Hiển nói.

Bên cạnh đó, còn tình trạng hai giá đất trên thị trường, một bên là mức giá để tính bồi thường cho người dân rất thấp và bên kia là giá trị đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp tăng lên rất cao là một kẽ hở lớn… Chưa có quy định cụ thể về giải quyết đối với trường hợp có phát sinh chênh lệch giữa giá bồi thường tại thời điểm phê duyệt và giá bồi thường tại thời điểm chi trả bồi thường trên thực tế cho người có đất bị thu hồi (có khi là 3 năm hoặc 5 năm).

Về vấn đề hộ trợ đối với trường hợp người sử dụng đất bị thu hồi đất nông nghiệp, ngoài việc được bồi thường về đất hoặc tiền thì họ còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ ổn định đời sống theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn những bất cập, hạn chế chưa đảm bảo được việc làm và sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi.

Cụ thể như chưa bảo đảm bù đắp lại những thiệt hại cho người bị thu hồi đất trong hiện tại cũng như tương lai; chưa có quy định chi tiết về điều tiết giá trị gia tăng thêm từ việc thu hồi đất của Nhà nước, chưa đảm bảo sự công bằng cho những người bị thu hồi đất nằm trong dự án, công trình đang triển khai thực hiện đặc biệt là dự án mở rộng đường giao thông, đường cao tốc…

Ví dụ như có người đang ở vị trí thuận lợi ở mặt tiền đường lớn nay bị thu hồi toàn bộ diện tích đất phải tái định cư ở nơi mới, trường hợp ngược lại, đang ở vị trí không thuận lợi, hẻm, nay ngẫu nhiên có được vị trí thuận lợi và nhận được giá trị tăng thêm của công trình, dự án đó mang lại; chưa có cơ chế pháp lý ràng buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong việc tiếp nhận, tuyển dụng, cam kết sử dụng lâu dài lao động là các đối tượng bị thu hồi đất. “Quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ về ổn định đời sống trong pháp luật hiện hành vẫn chưa đảm bảo được việc làm và sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi”, ông Hiển chia sẻ.

Ngoài ra, quy định về tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng chưa đảm bảo quyền, lợi ích của người có đất bị thu hồi. Thậm chí, không ít nơi tái định cư có chất lượng nhà ở không bảo đảm yêu cầu, thường ở những nơi hẻo lánh… Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân không mặn mà khi họ bị rơi vào trường hợp bị thu hồi đất.

* Đề xuất thu hẹp phạm vi các trường hợp Nhà nước thu hồi đất

Nhằm tháo gỡ những bất cập này, Tiến sĩ Bùi Đức Hiển cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải công khai, minh bạch; thu hẹp phạm vi các trường hợp thu hồi đất, nhất là thu hồi đất để phát triển kinh tế; tách bạch giữa thu hồi đất để phát triển kinh tế với thu hồi đất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Đặc biệt, theo ông Hiển, quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không nên căn cứ nhiều theo mục đích sử dụng đất. “Bởi lẽ đất nông nghiệp lại được định giá thấp nhất, trong khi đất ở lại được định giá cao nhất. Như vậy, chỉ cần bằng một quyết định hành chính cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, ngay lập tức giá đất đã tăng lên hàng chục lần là phi thị trường,” ông Hiển nói.

Về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, luật cần quy định theo hướng cho phép người có đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường thì được lựa chọn được bồi thường đất ở hoặc tiền hoặc đất có mục đích sử dụng khác; và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tôn trọng lựa chọn đó của người có đất bị thù hồi.

Ban soạn thảo luật cũng cần nghiên cứu quy định theo hướng tăng diện tích các căn hộ tái định cư; xây dựng khu tái định cư có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng địa phương, vùng miền để người có đất bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, yên tâm sinh sống ổn định và gắn bó lâu dài tại khu tái định cư.

Liên quan tới nội dung này, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết, hiện nay, dự thảo luật đã quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp nhà nước thu hồi đất dựa trên các nhóm tiêu chí về các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Mục tiêu của chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự thảo luật là thực hiện chủ trương của Đảng về: chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô là giá trị thu nhập tăng thêm để tạo nguồn thu tài chính từ đất đai phục vụ đầu tư phát triển cho cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và một phần kinh phí hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi nhằm bảo đảm minh bạch.

Đặc biệt, quy định lần này nhằm khắc phục hạn chế vướng mắc trong thời gian qua như tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện về thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai; khắc phục tình trạng thị trường bất động sản phát triển không bền vững, góp phần nâng cao tính minh bạch chính sách tài chính về đất đai; phân bổ được nguồn thu ngân sách hợp lý; góp phần tạo lòng tin đối với nhà đầu tư.

Do đó, quá trình tổng hợp ý kiến của người dân, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình để có những sửa đổi phù hợp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân khi có đất bị thu hồi.

Thúy Nhi
Theo: Bộ TN&MT
Spread the love
Back To Top