Xoài Sơn La đáp ứng tiêu chuẩn cao, “rộng cửa” vào Australia

Mục đích của các bài tập huấn là phòng trừ được sâu bệnh, bệnh hại, cây xoài phát triển khỏe hơn, chống chịu tốt hơn với điều kiện ngoại cảnh, mà không ảnh hưởng đến tính an toàn sinh học của quả xoài đối với người dùng. Đây là những yếu tố được Australia đánh giá cao. Nhờ đó, quả xoài Sơn La tiếp tục “rộng cửa” vào Australia.

Quan tâm đến tiêu chuẩn nhờ CPTPP

Xoài Sơn La hiện có ưu thế lớn ở thị trường Australia. Bắt đầu từ tháng 6 năm 2016, trái xoài nước ta được phép xuất khẩu vào Australia. Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam, xoài là loại quả được yêu thích tại Australia trong các bữa ăn hàng ngày, được dùng để chế biến món chính, salat, đồ uống… Nhưng cũng phải mất tới 7 năm đàm phán, Australia mới chấp thuận nhập khẩu xoài Việt Nam.

Và đây là điều kiện để xoài Việt Nam xuất khẩu vào Australia: xoài phải được chiếu xạ bắt buộc với liều lượng tối thiểu là 400 Gy; lô hàng không được có côn trùng và bệnh dịch; được đóng gói trong thùng carton có nắp được đậy chặt và không có lỗ thông hơi; thùng có lỗ thông hơi thì kích cỡ lỗ không quá 1,6 mm và độ dày của lưới không ít hơn 0,16 mm; container phải được kiểm tra bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập và được kiểm tra bởi các cán bộ an toàn sinh học tại cảng đến đầu tiên của Australia; không được phép chuyển tiếp bằng đường hàng không hoặc đường bộ cho đến khi lô hàng được kiểm dịch thông quan…

Khác với nhiều loại hàng hóa khác, để xuất khẩu thực phẩm vào các thị trường đòi hỏi an toàn sinh học như Australia đều phải thông qua con đường đàm phán. Thời gian đàm phán thường từ 3-5 năm, đàm phán tới chủng loại (không đàm phán thịt hay hoa quả nói chung, mà đàm phán thịt gà, thịt lơn, quả xoài, quả vải…). Thành quả lớn nhất của đàm phán chỉ là đồng ý về nguyên tắc nhập khẩu, còn “visa” nhập khẩu được cấp dựa trên sự tuân thủ các điều kiện về an toàn sinh học của từng doanh nghiệp. Chính vì vậy, số chủng loại thực phẩm nước ta xuất vào vào các thị trường khó tính đếm trên đầu ngón tay, Australia mới chấp nhận 4 loại quả nhập khẩu từ Việt Nam gồm vải thiều, xoài, thanh long và nhãn.

Theo thống kê, kể từ khi Australia chấp thuận, số lượng xoài Việt Nam xuất khẩu sang nước này không nhiều. Bên cạnh việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế trái cây nhập khẩu vào Australia là 5%. Khi CPTPP có hiệu lực (với Việt Nam từ tháng 1/2019), Australia đã xóa bỏ thuế với tất cả các sản phẩm rau quả của Việt Nam trừ duy nhất sản phẩm măng tre (HS 2005.91.01).

Nhờ đó, các doanh nghiệp, hộ gia đình và các địa phương quan tâm hơn đến canh tác rau quả theo tiêu chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường khắt khe như Australia. Điển hình trong số đó là quả xoài Sơn La.

Xoài Sơn La đảm bảo tính an toàn sinh học

Xoài Sơn La được trồng trên diện tích 20.000 ha xoài, gồm các giống GL4, GL6, xoài Thái Lan, xoài bản địa (xoài tròn, xoài hôi). Sản lượng năm 2023 ước đạt khoảng 70 nghìn tấn.

Hiện nay, hầu hết diện tích xoài Sơn La được người nông dân chăm sóc, thu hoạch theo quy trình, theo dõi ngay từ khi ra hoa, đậu quả và tiến hành bao trái sau khi đậu quả 30 ngày cho đến khi thu hoạch để đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, mẫu mã đẹp.

Nhiều vùng trồng xoài Sơn La đã sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 99 mã vùng trồng xoài với diện tích hơn 1.400 ha để phục vụ xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, NewZealand, và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu được công nhận.

Xoài Sơn La được trồng chủ yếu tại huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã, với độ cao trung bình từ 600 – 1050m so với mực nước biển. Điều kiện khí hậu trong lành, thổ nhưỡng phù hợp đã tạo ra những trái xoài Sơn La thơm ngon đặc trưng, khác với các vùng miền, trái to, ít xơ, hàm lượng khoáng chất cao. Sau khi CPTPP có hiệu lực, tháng 6/2021, Sơn La là địa phương đầu tiên xuất khẩu lô hàng 25 tấn xoài tượng da xanh sang thị trường Australia.

Thành quả này không phải ngẫu nhiên, mà được chuẩn bị bài bản công phu ngay từ khi sắp hoàn tất quá trình đàm phán CPTPP. Hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp đã hào hứng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Các cơ quan chức năng của Sơn La tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh xoài an toàn. Từ kỹ thuật chăm sóc (bón phân, tỉa cành tạo tán, tỉa quả và bao quả, kỹ thuật xử lý ra hoa) đến phòng trừ sâu bệnh. Các học viên được hướng dẫn cách phòng trừ 11 loại sâu bệnh thường gặp: Ruồi đục quả, sâu đục trái, bọ trĩ, rệp sáp lá, rệp sáp quả, rệp dính lá, rầy xanh lá, rầy hoa xoài, sâu cắt lá, câu cấu xanh, sâu đục cành non. Và 6 loại bệnh hại: Bệnh đốm đen, xì mủ, bệnh thán thư (do nấm Colletotrichum spp.), bệnh cháy lá (do nấm Macrophoma mangiferae), bệnh phấn trắng (do nấm Oidium mangiferae), bệnh nấm hồng (do nấm Corticium salmonicolor), bệnh khô cành thối quả (do nấm diplodia natalensis.)

Mục đích của các bài tập huấn là phòng trừ được sâu bệnh, bệnh hại, bảo đảm xuyên suốt quá trình sinh trưởng, cây xoài phát triển khỏe hơn, chống chịu tốt hơn với điều kiện ngoại cảnh, mà không ảnh hưởng đến chất lượng và tính an toàn sinh học của quả xoài đối với người dùng.

Đây là những yếu tố được Australia đánh giá cao. Nhờ đó, quả xoài Sơn La tiếp tục “rộng cửa” vào Australia.

Theo: Tạp chí Công Thương
Spread the love
Back To Top