Thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn

Du lịch nông nghiệp, nông thôn không phải là một lĩnh vực riêng biệt mà là một nhóm những hoạt động du lịch, dựa trên khai thác những đặc trưng về cảnh quan, văn hóa, lối sống và sản xuất ở khu vực nông thôn để cung cấp những sản phẩm cho khách du lịch. Hà Nội có vùng ngoại thành rộng lớn, cảnh quan đa dạng, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú.

Khách du lịch tham gia trải nghiệm làm nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Đồng Quê (huyện Ba Vì).

Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội gồm các loại hình: Du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch canh nông… Trong đó, các hoạt động du lịch cộng đồng với sự tham gia của người dân bản địa chiếm ưu thế. Những mô hình du lịch cộng đồng dựa trên khai thác giá trị văn hóa của các di tích nổi tiếng như: Du lịch chùa Hương (huyện Mỹ Đức), du lịch Khu di tích đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), du lịch Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…

Du lịch canh nông là loại hình du lịch mới phát triển trong thời gian gần đây, với mô hình nổi bật là các trang trại sinh thái, hay các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức những hoạt động trải nghiệm về nông nghiệp, làng quê. Địa bàn Hà Nội hiện có hàng chục mô hình canh nông như: Trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì)… Trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đến nay có hai sản phẩm đã được chứng nhận OCOP bốn sao gồm: Khu du lịch sinh thái Green Park Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Điểm du lịch làng quê Hồng Vân (huyện Thường Tín).

Mặc dù vậy, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn khó kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, du lịch nông nghiệp, nông thôn có nhiều hoạt động có thể gắn kết với nhau, thí dụ như kết hợp du lịch làng nghề, du lịch văn hóa với hoạt động trải nghiệm nông nghiệp. Song hiện nay, các hoạt động này vẫn tách biệt, chưa có sự gắn kết. Hiện chỉ có một số ít mô hình có sự liên kết như Khu du lịch sinh thái Green Park Phù Đổng với Khu di tích đền Phù Đổng; tham quan trải nghiệm tại làng cổ kết hợp với trải nghiệm sản xuất nông nghiệp tại Đường Lâm… Việc kích thích chi tiêu của khách du lịch cũng còn hạn chế. Khách du lịch chủ yếu mua sản phẩm lưu niệm đơn giản, giá rẻ.

Hà Nội đang từng bước tháo gỡ những vướng mắc này. Về vĩ mô, khi các địa phương tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới sẽ thực hiện các dự án cải tạo hạ tầng, môi trường nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Về phía ngành du lịch, Sở Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ như: Tập huấn phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; tập huấn nâng cao kiến thức làm du lịch cộng đồng cho người dân các địa phương có tiềm năng… Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Du lịch đã tổ chức hai lớp tập huấn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cán bộ phụ trách hoạt động du lịch tại các huyện, thị xã.

Các buổi tập huấn cung cấp kiến thức cho cán bộ cấp phòng của các huyện để có thể hướng dẫn người dân cách thức xây dựng sản phẩm, tạo mối liên kết giữa các loại hình du lịch ở nông thôn, xây dựng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch; cung cấp kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân…

Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu thành phố bổ sung nội dung phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch đã có; điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của nông dân-hợp tác xã-hộ kinh doanh-doanh nghiệp. Các giải pháp này sẽ tạo bệ đỡ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.

PV
Theo: nhandan
Spread the love
Back To Top