Trên 2.000 sản phẩm nông nghiệp được gắn tem truy xuất nguồn gốc

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 sản phẩm nông nghiệp được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh và cũng là cơ hội để cho các sản phẩm nông nghiệp khẳng định chỗ đứng của mình không những ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc bưởi Đoan Hùng thông qua tem điện tử có chứa mã xác thực

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Trong lĩnh vực nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc trở nên đặc biệt quan trọng khi trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc được coi là một trong những giải pháp cơ bản để có một nền nông nghiệp minh bạch, rõ ràng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã triển khai hỗ trợ các cơ sở 295.000 tem nhãn tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc tập trung vào các sản phẩm như: Thịt chua, rau an toàn, bưởi Đoan Hùng, bưởi diễn, chè xanh, các sản phẩm từ thịt…

Theo Kế hoạch số 1492/KH-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 đề ra mục tiêu: Giai đoạn 2021 – 2025 có 70 – 80% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. 100 – 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm được hỗ trợ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn kiến thức về truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Xác định danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và đề xuất chính sách hỗ trợ. Xây dựng và vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

PV
Theo: phutho.gov
Spread the love
Back To Top