Chống ‘lạm thu’ đầu năm học

Năm nào cũng vậy, bước vào năm học mới, việc thu và đóng góp quỹ luôn là nỗi trăn trở, quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Nhằm kiểm soát tình trạng ‘lạm thu’, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có những chỉ đạo cụ thể trong việc thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính; đồng thời công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng ‘lạm thu’, điều cần thiết là các bậc phụ huynh cần đồng lòng phản ánh sai phạm vì môi trường giáo dục trong sạch.

Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

Năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh Yên Bái có trên 230 nghìn học sinh các bậc học tựu trường. Sau ngày khai giảng, các cơ sở giáo dục đã triển khai giảng dạy theo chương trình, kế hoạch đề ra. Đây cũng là thời điểm diễn ra các cuộc họp phụ huynh và thông báo các khoản thu quỹ cho năm học mới. Trong bối cảnh, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học vẫn còn khó khăn, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn lực là điều cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các vụ việc “lạm thu” được nêu trong thời gian qua đều dưới danh nghĩa xã hội hóa, “ép” phụ huynh tự nguyện thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh; trong đó, có nhiều khoản thu chồng chéo, gây bức xúc trong phụ huynh, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.

Trước thực trạng trên, hàng năm, Thủ tướng Chính phủ đều chỉ đạo, yêu cầu ngành GD&ĐT, các đơn vị giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học. Bộ GD&ĐT cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cơ sở giáo dục phải giải trình về các mức thu, khoản thu trong năm học mới.

Điều đó có nghĩa là, ngoài các khoản thu được quy định, các cơ sở giáo dục tuyệt đối không được tự ý đặt ra thêm những khoản thu từ phụ huynh học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Những chỉ đạo của Chính phủ và ngành GD&ĐT là rất cần thiết, kịp thời, tạo được sự đồng thuận của dư luận.

Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng trên, ngành GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, nhất là xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng “lạm thu”; đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên để hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện theo đúng quy định và ủng hộ nhưng không bị “lợi dụng” để thu các khoản thu trái quy định.

Chống “lạm thu” rất cần những giải pháp thực tiễn và nghiêm minh. Chắc rằng, ai cũng mong muốn ngành GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt là không để xảy ra ở vùng khó khăn, với những gia đình có kinh tế khó khăn. Do đó, cùng với những giải pháp của ngành chức năng, các ban phụ huynh phải phát huy được vai trò trách nhiệm. Sự đoàn kết của tất cả phụ huynh, sự công tâm của phụ huynh sẽ góp phần rất lớn ngăn chặn “lạm thu”.

Theo: baoyenbai
Spread the love
Back To Top