Vụ lộ đề thi sinh: 8 thí sinh được “mớm” đề cần xử lý thế nào?

Một số giáo viên sinh học chưa hài lòng về kết quả điều tra vụ lộ đề thi sinh. Vấn đề khác còn băn khoăn là hướng xử lý với 8 thí sinh được “mớm” đề.

 

Quan hệ của 8 thí sinh với người lộ đề

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô Phạm Phương Anh, giảng viên khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Huế nói, bản thân chưa hài lòng với kết luận điều tra mới đây về vụ lộ đề thi sinh.

Cô Phương Anh nêu vấn đề, 8 thí sinh là người nhà của các bị cáo trong vụ án đã được “mớm” đề cần xử lý ra sao trong thời gian tới?

Nữ giảng viên phân tích, việc hủy kết quả thi đã từng có tiền lệ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018, sau khi xác định có gian lận thi cử.

Điều khác biệt, trong vụ gian lận thi cử ở một số tỉnh như Hà Giang, Hòa Bình… thí sinh làm bài thật, các đối tượng sửa điểm nên sau khi chỉ ra gian lận ở đâu thì dễ dàng trả lại điểm thật.

Ở đây, cô Phương Anh băn khoăn, căn cứ như thế nào để xử lý 8 thí sinh được “mớm” đề và cách xử lý sẽ như thế nào?

 

Đề thi chính thức và đề ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ ở Hà Tĩnh giống nhau đến cả hình vẽ thí nghiệm (Ảnh: Đ.H).

 

Thầy Đinh Đức Hiền, người đầu tiên phát hiện ra vụ việc lộ đề thi sinh cũng băn khoăn, liệu 8 thí sinh người nhà đã được cơ quan điều tra tìm hiểu rõ chưa?

Những thí sinh này có quan hệ như thế nào với ông Sâm, bà My, thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường chuyên Hà Tĩnh) và hướng xử lý với những bài thi của các em này để đảm bảo công bằng với những thí sinh khác?

Một giáo viên môn sinh đến từ Hà Nội nêu câu hỏi, có sự trùng lặp 70-100% nội dung câu hỏi như vậy, mối liên hệ giữa thầy Sâm, cô My và thầy Phan Khắc Nghệ như thế nào?

Hai bên có sự trao đổi như thế nào trong nhiều năm? Có tình huống thầy Phan Khắc Nghệ gặp trực tiếp hai thầy cô kia hay thông qua một học sinh ở trường chuyên Hà Tĩnh học riêng nhà thầy cô?

Để có thể rút ra những câu hỏi không mang tính ngẫu nhiên, có thể đưa ý tưởng, câu hỏi, bài tập từ bên ngoài (do bà My kết nối với các giáo viên) vào máy chủ lưu trữ ngân hàng câu hỏi, một mình cô My không thể làm được. Thầy Sâm thì không biết sử dụng công nghệ thông tin. Vậy cần xác minh rõ, ai là người đã tiếp tay cho bà My?

 

Trùng hợp 70-100% có ngẫu nhiên?

Bản kết luận điều tra về vụ án, theo một giáo viên dạy sinh tại Hà Nội, cũng chưa giúp trả lời được nhiều câu hỏi, như vì sao trước khi vào làm đề thi chính thức tại trại đề từ ngày 12/6/2021, thầy Sâm vẫn là tổ trưởng tổ biên soạn, biên tập ngân hàng câu hỏi?

Dù có đơn thư tố cáo thầy Sâm dạy luyện thi môn sinh ở một trung tâm tại Hà Nội và thường dạy học sinh trúng tủ nhiều năm, thầy giáo này vẫn được làm cán bộ thẩm định đề chính thức?

Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí, cô Phương Anh cho hay, cơ quan công tố xác định, đề ôn tập của thầy giáo ở Hà Tĩnh và đề thi của ông Bùi Văn Sâm, bà Phạm Thị My (nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) giống 70-100%.

Còn trong kết luận điều tra ban đầu đưa thông tin, khoảng 92,5% đề ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ trùng với đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT.

 

Đề thi về các đảo của Bộ GD&ĐT (Ảnh: P.A).

 

Và đề ôn tập của thầy Nghệ giống nhau đến từng chữ, chỉ khác phương án A, B, C, D thay vì I, II, III, IV (Ảnh: P.A).

 

Biên bản kết luận của tổ chuyên gia cũng chỉ rõ, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn có 39 câu trùng, chiếm tỷ lệ 97,5% với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ.

Trong số 39 câu trùng nói trên thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%), riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210, câu 105 trùng hoàn toàn với mã đề 210 và 212, trùng một phần với 2 mã đề 211 và 213.

Cô Phương Anh dẫn chứng, ở câu hỏi về đảo, đề ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng trường chuyên Hà Tĩnh) và đề thi của Bộ GD&ĐT giống nhau đến từng câu chữ, chỉ thay phương án trả lời từ A, B, C, D thành I, II, III, IV.

“Cùng một nội dung nhỏ, khi tôi cho 40 sinh viên viết sẽ có 40 kiểu hành văn và ý tưởng khác nhau, không thể giống từng câu chữ như ở đề thi và đề ôn tập mà tôi dẫn chứng trên đây.

Những sự trùng hợp trên đây có thật do ngẫu nhiên hay không, cần làm rõ”, cô giáo này nói.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, thông tin lộ đề thi sinh râm ran trên báo chí.

Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tiến hành điều tra theo quy định.

Bà My và ông Sâm sau đó bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố ngày 10/6/2022.

Kết luận của Hội đồng giám định Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó xác định, tập tài liệu ông Sâm giao nộp có nội dung các câu hỏi giống 75-95% so với 4 mã đề thi chính thức đã được sử dụng trong đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Theo cáo trạng mới đây, thầy Sâm, cô My tham gia cả hai giai đoạn xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi ở nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước và biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên.

Chính vì điều này, năm 2021, hai cựu giảng viên lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp vào các vị trí để được định hướng rút ra làm nguồn đề thi chính thức.

Ngoài ra, họ còn dùng các câu hỏi trên làm tài liệu ôn thi cho 8 học sinh là người thân quen.

Theo: Dân Trí
Spread the love
Back To Top