Bài 4: Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong nền kinh tế số

Ngày 22 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã được phê duyệt tại quyết định 146/QĐ-TTg.

Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Chỉ tính đến 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT, nhưng hiện cả nước mới đạt 430.000 lập trình viên, có nghĩa thiếu hụt khoảng 20.000 vị trí lập trình viên. Báo cáo của TopDev nhận định: “Việt Nam có nguồn nhân lực CNTT đầy hứa hẹn về chất và lượng cũng như thị trường tiềm năng và tăng trưởng mạnh”. Nhưng theo các chuyên gia, đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đang gặp phải chính là sự thiếu hụt trầm trọng nhân sự CNTT có chất lượng, có tâm huyết, nhất là trong bối cảnh làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam đang đồng thời diễn ra ở cả Khối hành chính công và Khối kinh doanh.

Thống kê trung bình mức lương dành cho lập trình viên dưới 2 năm kinh nghiệm đang dao động từ 350 – 565 USD/tháng (tương đương 8,3 – 13,4 triệu đồng). Đối với các lập trình viên từ 5 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương dựa trên vị trí và trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh, dao động từ 2.230 – 2.435 USD/tháng (tương đương 53 – 57,9 triệu đồng). Vị trí quản lý từ 10 năm kinh nghiệm sẽ được hưởng mức lương khoảng 2.750 USD/tháng ( tương đương 65,4 triệu đồng). Các vị trí giám đốc công nghệ (CTO), giám đốc IT (CIO) hoặc quản lý công nghệ (Tech Manage-ment) vốn vẫn được coi là mục tiêu nghề nghiệp cao nhất với nhiều trách nhiệm và khả năng thích ứng hơn sẽ được trả mức lương khoảng 6.000 USD/tháng trở lên (142,7 triệu đồng).

Trong sự kiện công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên “The Future of Now” diễn ra tại TP HCM vào tháng 9/2022, mức lương ngành AI được các chuyên gia chia sẻ khiến nhiều người chú ý. Tại một công ty Việt Nam, mức lương cho một kỹ sư AI ở vị trí senior (có kinh nghiệm) vào khoảng 4.000 – 5.000 USD/tháng (tương đương 95 – 118 triệu đồng), và nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đang ” khát” nguồn nhân sự AI có kinh nghiệm bởi nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển như mong đợi của ngành.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, nhóm ngành CNTT đứng top 2 trong số những ngành học được nhiều thí sinh THPT lựa chọn nhất trong kỳ tuyển sinh THPT năm 2021, với 336.001 nguyện vọng đăng ký (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu). Điều này chứng minh độ “hot” của ngành học hợp xu hướng của hiện tại và tương lai.

Nhưng thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) theo các chuyên gia và nhà tuyển dụng lao động đang đánh giá như thế nào?

Phần lớn ý kiến cho rằng, sinh viên CNTT ra trường có nền tảng lý thuyết tốt, tuy nhiên kỹ năng thực hành, năng lực tự tìm hiểu để có những đề xuất ứng dụng còn hạn chế; sức sáng tạo còn thấp khi tiếp cận các ứng dụng của xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Ngay cả nhân lực CNTT của thành phố còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian. Điều này cũng dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

Nhân lực CNTT chất lượng cao như Trưởng nhóm (team leader), Quản trị dự án (project manager), kỹ sư cầu nối (bridge engineering)… khan hiếm trong khi nhu cầu doanh nghiệp về lực lượng này rất cao, dẫn đến tình trạng chèo kéo, nhảy việc giữa các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy: tuyển dụng, đào tạo, nhảy việc, thiếu nhân sự ổn định.

Vậy đâu là giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam?

Theo các chuyên gia, việc phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhà khoa học – Nhà tuyển dụng ( Doanh nghiệp)  được coi là giải pháp tốt nhất để tăng trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên;

Các cơ sở đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh CNTT, thu hút các tổ chức tài trợ, hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội để đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng sáng tạo cho sinh viên;

Các cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức các hội thảo, chương trình hướng nghiệp, cập nhật công nghệ thông tin cho học sinh, sinh viên. Dự báo phát triển nguồn nhân lực CNTT hàng năm, công khai thông tin,

Tổ chức thường niên các sự kiện, cuộc thi về CNTT; có thể mở rộng các chuyên ngành trong nhóm ngành CNTT; nhân rộng các mô hình đào tạo thực tế tại doanh nghiệp và được bổ sung vào các chương trình đào tạo; nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và kỹ năng mềm cho sinh viên ngành CNTT.

Mở rộng mô hình “nhân sự dùng chung” giữa các doanh nghiệp nhằm giảm bớt áp lực chi phí, đồng thời giúp các doanh nghiệp tập trung hơn vào các giá trị cốt lõi, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng./.

Nguyễn Bình
Theo: Thương gia & Thị trường
Spread the love
Back To Top