Indonesia có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?

Tiến sĩ Prasetyantoko, Nghiên cứu viên cao cấp Viện chính sách công Atma Jaya (AJIPP) thuộc Đại học Atma Jaya, Jakarta, có bài viết nhận định về khả năng Indonesia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Người dân đi trên phố tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: TTXVN

Chính phủ Indonesia mới đây đã thông qua Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas) để đưa ra dự luật về Kế hoạch Phát triển Dài hạn Quốc gia (RPJPN) giai đoạn 2025-2045. Tài liệu này tập trung vào tầm nhìn của Indonesia tới năm 2045 để đất nước đạt được vị thế quốc gia phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập.
Một số mục tiêu chiến lược – mặc dù đầy tham vọng – phải đạt được vào năm 2045 bao gồm đưa thu nhập bình quân đầu người tương đương với mức hiện thời của các nước phát triển và giảm tỷ lệ nghèo xuống 0.
Đến năm 2045, Bappenas ước tính rằng Indonesia sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 23.050 USD/năm (khoảng 345 triệu Rp) và trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất, dự kiến chiếm khoảng 28% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khu vực kinh tế dựa trên hàng hải (ước tính chiếm 17,5% trong GDP). Những lĩnh vực này được dự đoán một cách lạc quan sẽ cung cấp việc làm hàng loạt, giúp tăng trưởng tầng lớp trung lưu của Indonesia lên tương đương 80% dân số.
RPJPN 2025-2045 liệt kê các rào cản quan trọng và các chiến lược tương ứng để vượt qua những thách thức này. Tài liệu này được đánh giá cao về “khung thời gian” theo hai khía cạnh. Thứ nhất, đến tháng 10 tới, Indonesia sẽ có Tổng thống và chính phủ mới. Thứ hai, chương trình nghị sự của tân Tổng thống sẽ phần nào quyết định liệu Indonesia có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.
Kế hoạch phát triển dài hạn đưa ra các hướng dẫn cấp cao cho Tổng thống tiếp theo, người phải lãnh đạo chính quyền của mình trong việc thực hiện các chương trình phát triển và tuân theo thời gian biểu. Mặc dù chính phủ mới có thể đưa ra một chương trình nghị sự phát triển riêng biệt ngoài RPJPN, nhưng việc tài liệu này được hợp pháp hóa thành quy định vào cuối năm nay tại Quốc hội (DPR) sẽ là một trở ngại khó khăn. Việc thông qua kế hoạch RPJPN dưới dạng văn bản luật sẽ đảm bảo tính liên tục của chương trình phát triển tổng thể của Indonesia. Tuy nhiên, về lý thuyết, DPR có thể từ chối những sáng kiến mới này bằng cách không phê duyệt ngân sách RPJPN.
Tổng thống kế nhiệm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn trong quá trình phát triển. Đầu tiên, giải quyết nghèo đói và tạo ra một tầng lớp trung lưu vững chắc là một nhiệm vụ khó khăn, mặc dù số người Indonesia sống trong tình trạng nghèo cùng cực (được định nghĩa là sống với mức dưới 1,9 USD/ngày) đã giảm đáng kể trong 20 năm qua. Nhóm dân nghèo từng chiếm tới 19% dân số Indonesia vào năm 2002 đã giảm xuống chỉ còn 1,5% vào năm 2022.
Báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi năm 2020 chỉ ra rằng việc mở rộng tầng lớp trung lưu của Indonesia đóng vai trò rất quan trọng để nước này đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao như mong muốn. Báo cáo cũng lưu ý rằng khoảng 115 triệu người ở Indonesia thuộc tầng lớp trung lưu “có nguyện vọng” hoặc không còn bị coi là nghèo, nhưng chưa thể đạt đến tầng lớp trung lưu. Trong thời kỳ khủng hoảng, họ vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc và biến động kinh tế, chẳng hạn như giá năng lượng và lương thực tăng vọt.
Thứ hai, cung cấp đủ mức “việc làm bền vững số lượng lớn” thông qua thực thi chính sách công nghiệp tốt sẽ là một thách thức khác. Dựa trên thông tin của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), trong quý I/2023, tốc độ tăng trưởng trong các lĩnh vực thương mại như sản xuất, nông nghiệp và khai khoáng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia là 5%.
Trong cùng giai đoạn, các lĩnh vực phi thương mại như giao thông vận tải, lĩnh vực thông tin và viễn thông tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước – một xu hướng đã kéo dài nhiều năm. Tình trạng này góp phần làm giảm chất lượng tăng trưởng khi độ co giãn của tăng trưởng trong tạo việc làm giảm đi. Indonesia có thể cần đến một chiến lược chuyển đổi để tìm ra các động lực tăng trưởng mới nhằm đảm bảo tạo ra việc làm bền vững.
Theo đó, Tiến sỹ Prasetyantoko cho rằng, Indonesia cần chuyển đổi cách quản lý chính sách công nghiệp bên cạnh các thể chế kinh tế và lĩnh vực vấn đề khác. Mục tiêu là tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu trục lợi trong hệ thống kinh tế của nước này khi hướng tới một lễ kỷ niệm 100 năm “vàng”.
Một chuyển đổi quan trọng trong quá trình này sẽ là cải thiện chất lượng công việc trong lĩnh vực dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này rất ấn tượng, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải và kho bãi, cũng như lĩnh vực thông tin và viễn thông. Tuy nhiên, đóng góp của lĩnh vực chế tạo vào tăng trưởng GDP đã giảm từ 27% hồi năm 2002 xuống còn 18% vào năm 2022.
Trước thực trạng này, chính phủ mới phải tìm ra một chiến lược tốt để vực dậy những bộ phận thâm dụng lao động của lĩnh vực chế tạo. Có một nhu cầu tổng thể để hài hòa các chính sách công nghiệp trong các lĩnh vực sắp phát triển, chẳng hạn như nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh.
Chính phủ mới cũng phải khuyến khích tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược. Mặc dù điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục những gì Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo đã làm trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng, nhưng vẫn có điểm cần cải thiện.
Đã có một số hậu quả ngoài ý muốn của việc phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng. Một số DNNN liên quan đến cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như PT Wijaya Karya, PT Waskita Karya, PT Hutama Karya và PT Adi Karya, được giao phát triển các dự án cơ sở hạ tầng không sinh lời, ảnh hưởng đến dòng tiền của họ.
Áp lực bơm vốn trong khi hoạt động quản trị không tốt đã tạo ra các vấn đề khác. Mới đây, Văn phòng Tổng chưởng lý đã nêu tên giám đốc của Wijaya Karya là nghi phạm biển thủ công quỹ nhà nước từ năm 2016-2020. Chính phủ mới phải cải thiện hoạt động quản trị DNNN, làm cho chúng trở nên hiệu quả và minh bạch hơn. Đối với sự thành công của RPJPN, việc đảm bảo rằng các DNNN không bị chính trị và tham nhũng hạn chế là rất quan trọng.
Một chuyển đổi quan trọng khác có liên quan đến chính sách công nghiệp hóa và nội địa hóa hạ nguồn. Chính sách này phải được thực hiện một cách thận trọng, xem xét khả năng hiện có trong nước về nguồn nhân lực, công nghệ và các mối quan tâm về môi trường. Nếu Indonesia có thể thực hiện điều này bằng cách giảm thiểu sự méo mó của thị trường và tối đa hóa hiệu quả, thì sẽ có khả năng thành công.
Thật không may, các chiến lược hiện tại một phần dựa vào DNNN. Điều này gây bất lợi cho sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước. Sau lệnh cấm xuất khẩu nickel vào năm 2020, chính phủ đã chỉ định các DNNN chủ chốt như Tập đoàn công nghiệp khai khoáng, các công ty PT Aneka Tambang, PT Pertamina và PT Perusahaan Listrik Negara dẫn đầu việc sản xuất pin xe điện (EV). Tuy nhiên, những DNNN này thiếu kinh nghiệm và năng lực trong sản xuất xe điện và pin.
Trong nhiều trường hợp, việc tham gia đầu tư nước ngoài đã được thực hiện bằng cách khuyến khích quan hệ đối tác với các DNNN, chẳng hạn như liên doanh giữa Tập đoàn Pin Indonesia (IBC) và Công ty Công nghệ Contemporary Amperex (CATL) của Trung Quốc.
Indonesia không sai khi mong muốn trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất pin EV. Nhưng trước tiên, nước này nên thực hiện các chính sách công nghiệp thân thiện với thị trường để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.
Đề cập đến phát triển cơ sở hạ tầng, nơi mà sự tham gia của các DNNN chiếm ưu thế khá lớn, tác giả khuyến nghị các chính sách công nghiệp của chính quyền tiếp theo nên chào đón đầu tư tư nhân nhiều hơn.
Các chính sách nội địa hóa và hạ nguồn cũng như phát triển ngành công nghiệp xe điện sẽ không đủ để Indonesia thoát khỏi hoàn toàn bẫy thu nhập trung bình. Indonesia cần chuyển đổi cách quản lý chính sách công nghiệp – cùng với các thể chế kinh tế và lĩnh vực vấn đề khác, để tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu trục lợi trong hệ thống kinh tế của mình, nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm “vàng ”./.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top