Theo NASA, hình ảnh đặc biệt rõ nét này là ảnh ghép giữa một bức ảnh chụp Marker Band vào buổi sáng và một bức ảnh khác vào buổi chiều. Thung lũng này từng được Curiosity xác định là có một hồ nước cổ đại rộng lớn và có thể từng ngập tràn sinh vật sống.

Tấm bưu thiếp tuyệt đẹp mà Curiosity gửi về Trái Đất – Ảnh: NASA

Curiosity đã chụp ảnh chi tiết khu vực này nhiều lần. Những bức ảnh quý giá mà robot dạng xe tự hành này gửi về Trái Đất cũng như kết quả các thí nghiệm địa chất đi kèm sẽ được chia sẻ và nghiên cứu chi tiết bởi các nhà khoa học khắp thế giới nhằm tìm ra bằng chứng về sự sống – ít nhất là sự sống cổ đại đã tuyệt chủng – cũng như các đặc tính của Sao Hỏa.

Đáng lưu tâm nhất, hình ảnh lần này của Curiosity đẹp và rõ nét hơn hẳn các hình ảnh từ trước đến nay. Và đó chỉ là một trong những sức mạnh mới mà nó có được.

Theo Live Science, tuyên bố từ NASA cho biết họ vừa nâng cấp từ xa robot thám hiểm nói trên. 

Một hình ảnh có đánh dấu ghi chú các thiết bị trên cơ thể robot và một số đặc điểm đáng chú ý trong khu vực có thể từng ngập tràn sự sống – Ảnh: NASA
Curiosity vốn là robot “già” nhất đang còn hoạt động trên Sao Hỏa của NASA. Nó lên đến Sao Hỏa vào tháng 8-2012 với thời hạn nhiệm vụ là 2 năm. Tuy nhiên, cho đến nay (sau 11 năm), robot vẫn chạy tốt.

Tuy nhiên do được sản xuất đã lâu nên nhiều thiết bị trên robot này không bằng các phiên bản hiện đại hơn. Bất chấp điều đó, Curiosity vô cùng may mắn và liên tiếp tìm ra những bằng chứng quan trọng nhất để củng cố niềm tin của NASA rằng Sao Hỏa từng có sự sống.

NASA gần đây tiết lộ họ đã cho robot trải qua một giấc ngủ ngắn từ ngày 3 đến ngày 7-4 để cập nhật phần mềm, bao gồm 180 nâng cấp riêng lẻ.

Các bản nâng cấp đã phát huy hiệu quả tốt. Hiện tại, robot dạng xe tự hành này xử lý hình ảnh xung quanh nhanh hơn, hao mòn thiết bị ít hơn và di chuyển nhanh hơn trên bề mặt hành tinh đỏ, cùng nhiều sức mạnh mới khác.

Curiosity hiện đã rời Marker Band và bắt đầu hành trình săn sự sống mới nhưng NASA chưa công bố thêm chi tiết.