Theo Live Science, quái thú được đặt tên là Gonkoken nanoi, là một con khủng long “mất liên kết” trong cây gia đình. Nó như từ trên trời rơi xuống, không thể hiện rõ ràng mối liên hệ họ hàng với loài tiền nhiệm nào hay là tổ tiên của loài nào khác.

Ảnh đồ họa mô tả “chân dung” loài quái thú mới – Ảnh: ĐẠI HỌC CHILE

Người ta chỉ có thể biết nó thuộc một nhóm khủng long ăn thực vật được gọi là “khủng long mỏ vịt” vì có cái miệng dẹp như mỏ vịt.

Trong cái tên Gonkoken nanoi, thay vì thể hiện mối liên hệ với các loài họ hàng gần thì Gonkoken lại có nghĩa đơn giản là “giống như vịt trời”.

50 mẩu hóa thạch thuộc về 3 cá thể Gonkoken nanoi đã được khai quật tại di chỉ khủng long Chilean Patagonia, nơi có nhiều quái thú cổ đại khác cũng từng lộ diện.

Các nhà khoa học đang khai quật các phần hài cốt hóa thạch – Ảnh: ĐẠI HỌC CHILE

Các phần xương bao gồm răng, đốt sống, xương sọ, các mảnh hàm, xương chi và xương sườn đã giúp các nhà khoa học từ Đại học từ Đại học Chile tái hiện khá rõ ràng hình ảnh của một bò sát kỳ dị dài tới 4 m, nặng tới 1 tấn.

Bất chấp điều đó, bài công bố trên Science Advances thừa nhận đây là những thứ hoàn toàn “thiếu liên kết” trong hồ sơ hóa thạch.

Họ vẫn nghi ngờ rằng Gonkoken nanoi, với vẻ ngoài kỳ dị, là một mối liên kết tiến hóa thoáng qua giữa các loài khủng long cổ xưa hơn và “trẻ hơn”, nhưng không nghĩ nó là tổ tiên của các khủng long mỏ vịt khác ở Nam bán cầu.

Giả thuyết cho rằng nó đã xuất hiện ở Bắc bán cầu, sau đó di cư thông qua một “cây cầu đất” ngày nay đã không còn tồn tại, do đó xuất hiện ở Nam bán cầu một cách đột ngột, không họ hàng thân thích.

Họ cũng tin rằng nó đã lan tỏa giống loài của mình tới tận Nam Cực và sống sót cho đến ngày thiên thạch Chicxulub va vào Trái Đất 66 triệu năm trước, khiến toàn bộ khủng long tuyệt diệt.