Nhà địa vật lý Ki-Weon Seo từ Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) tiết lộ một cuộc nghiên cứu mà ông đang dẫn đầu cho thấy các cực của Trái Đất đang “trôi dạt” xa hơn khỏi vị trí truyền thống trên bản đồ là do trục của hành tinh đang bị nghiêng đi rất nhanh chóng.

Trục địa lý (nối 2 cực trên bản đồ) và trục quay thực tế của Trái Đất vốn đã hơi lệch nhau và ngày một lệch xa hơn nữa do cả hành tinh đang bị “lăn” khỏi vị trí – Ảnh: NASA

Chỉ trong một quãng thời gian ngắn ngủi so với “tuổi đời” – cụ thể là từ các năm 1993 đến 2010 – hành tinh 4,5 tỉ năm tuổi của chúng ta đã nghiêng đi tới 80 cm và tiếp tiếp tục nghiêng nhanh trong những năm sau đó.

Cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân giật mình: Việc con người rút 2.150 tỉ tấn nước từ các hồ chứa tự nhiên trong lớp vỏ của hành tinh.

Tất nhiên nước sau khi sử dụng phần lớn chảy vào nơi khác. Sự phân bổ lại khối lượng khổng lồ này đã khiến trục quay bị di lệch.

Đáng lo hơn, kể từ năm 2016, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng trục quay của Trái Đất liên quan mật thiết đến khí hậu, làm ảnh hưởng đến thời tiết theo mùa.

Theo tờ Space, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu xem liệu có thể nói rằng điều này có thể góp phần gây ra biến đổi khí hậu lâu dài hay không.

Tuy nhiên các phát hiện đủ tô đậm thêm cảnh báo của các nhà khoa học khắp thế giới rằng hoạt động khai thác nước bừa bãi, sử dụng tài nguyên nước thiếu bền vững đang đe dọa nhân loại theo nhiều cách.

Trước đó, có các nghiên cứu chỉ ra việc con người làm nóng hành tinh thông qua các hoạt động công nghiệp và khiến băng giá tan chảy nhanh chóng trong những thập kỷ qua cũng góp phần làm rối loạn sự phân bổ trọng lượng và ảnh hưởng đến trục quay của Trái Đất.