Do ảnh hưởng từ tác động của hiện tượng El Nino, mực nước ở các hồ thủy điện đều ở tình trạng “chết” là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2023. Vì vậy, cắt điện luân phiên là giải pháp trước mắt để giải quyết bài toán thiếu điện. 

Tiền “xăng” quá tiền “điện”

Anh Nông Văn Kỳ (xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trăn trở: “Với người dân vùng Lục Khu (12 xã thiếu nước của huyện Hà Quảng được ví là vùng đất khát nước), điện được coi là thứ quý giá hơn cả vì nước sạch chưa về đến bản. Là quán tạp hóa duy nhất nằm ở trung tâm của xã nên cửa hàng của tôi cần có điện để cấp đông, giữ lạnh cho hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của bà con. Không có điện, hàng hóa coi như hỏng và bỏ đi”. 

“Đã khát nước giờ còn khát cả điện; trong khi điện mà người dân chúng tôi sử dụng cũng chỉ là tủ lạnh, bóng đèn gia đình thông dụng… Bây giờ bảo tiết kiệm thì chúng tôi biết tiết kiệm cái gì trong khi lượng tiêu thụ điện đã thấp nhất rồi”, anh Kỳ cho biết. 

Anh Nông Văn Kỳ cũng là thợ điện nông thôn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nên hơn ai hết, anh hiểu mình cần sử dụng điện sao cho tiết kiệm nhất, tránh lãng phí. 

Điện lực Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) trước khi thực hiện ngừng cấp điện sẽ thông báo trước cho người dân để có sự chuẩn bị trước. 

Tình trạng thiếu điện cũng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác ở miền Bắc. Do thiếu điện, tỉnh Bắc Giang đang thực hiện ban ngày cấp điện sản xuất, ban đêm cấp điện sinh hoạt. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc cắt điện luân phiên thì việc ngừng cấp điện vào mùa hè ở Bắc Giang cũng diễn ra thường xuyên, không có gì là quá xa lạ với người dân nơi đây.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thu Thủy (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ: “Ngày trước tần suất cắt điện ít hơn nhưng thời gian cắt có khi cả ngày, từ sáng cho đến tận đêm. Dù có thông báo thời gian có điện rõ ràng nhưng có những ngày lại muộn hơn dự kiến rất lâu. Con trai tôi đang trong giai đoạn “bứt tốc” để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2023 nên điện là yếu tố cần thiết để con có tinh thần ôn tập thoải mái trước thời tiết oi bức và mất điện liên tục”. 

Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thu Thủy còn kinh doanh hoa quả tươi, thực phẩm đông lạnh nên nếu thiếu điện trong suốt thời gian dài sẽ thiệt hại lớn đến hàng hóa. Để giải quyết bài toán này, chị Thủy quyết định mua máy phát điện chạy bằng xăng với giá hơn 40 triệu đồng vừa để phục vụ sĩ tử, vừa để phục vụ trong buôn bán của gia đình. 

“Với công suất 9kW sẽ tiêu hao hơn 3 lít xăng/giờ, một ngày tôi mất 30 lít xăng, tương đương 700.000 đồng/ngày để phát điện. Nếu liên tục trong 20 ngày theo dự kiến của Điện lực Bắc Giang đưa ra thì tôi sẽ mất khoảng 14 triệu đồng tiền xăng để thay thế tiền điện, thế này thì lỗ còn nhiều hơn lãi”, chị Thủy bày tỏ.

Trước khi có máy phát điện, sĩ tử nhà chị Thủy phải ôn thi dưới thời tiết oi bức bên ánh đèn dầu để “vượt vũ môn”.

Cắt giảm thời gian đi làm

Không chỉ với người dân, các công nhân lao động ở khu công nghiệp cũng đang phải đối mặt với việc thu nhập giảm sút, sức khỏe bị ảnh hưởng vì làm việc trong môi trường nóng bức. 

Anh Trần Tuấn Dương (quê Ninh Bình) hiện đang làm việc tại khu công nghiệp ở Đình Trám, Bắc Giang cho biết: “Môi trường làm việc với nhiều loại máy móc công suất lớn tản nhiệt cộng thêm việc điều hòa được điều chỉnh phù hợp để tiết kiệm điện, phục vụ nhu cầu sản xuất khiến công nhân chúng tôi vô cùng khó khăn. Chưa kể, thời gian đi làm ca đêm thì được cắt, chúng tôi chỉ có thể đi ca ngày nên 1 tháng có khi chúng tôi phải nghỉ đến 2 tuần. Tăng ca không còn, chuyên cần cũng mất, công nhân chúng tôi không còn “đồng ra đồng vào”. 

Trong khi đó, theo thông báo, từ ngày 1-6 đến 20-6, Điện lực Bắc Giang có kế hoạch tạm ngừng cung cấp điện trên địa bàn toàn tỉnh với hàng loạt lý do: Vệ sinh công nghiệp, bổ sung dầu MBA; Xử lý rỉ dầu, thay cáp 0,4 KV, chỉnh trang 5S; tiết giảm khẩn cấp do thiếu nguồn; cắt giảm phụ tải do thiếu nguồn…

Một nỗi khổ khác khi mất điện là mất nước trong trời nắng gay gắt. Sống giữa lòng Thủ đô, anh Lương Anh Đức (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười” vì vừa mất điện dưới thời tiết 35 độ C vừa không có nước để sinh hoạt. 

“Rõ ràng là, có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn uống, có thể thiếu điện nhưng không thể thiếu nước. Chỉ mong sao ngành điện sớm có giải pháp”, anh Đức khẳng định. 

Số nước dự trữ này giúp Đức có thể duy trì, sử dụng đến khi có điện và nước được bơm vào bể của tòa chung cư nhưng cũng chẳng thấm vào đâu trước thời tiết oi bức ngột ngạt hiện nay.