Quảng Ninh đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc

Sau 3 năm thực hiện Đề án 196, đến hết năm 2019, tất cả 22 xã, 11 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Hạ tầng giao thông được đầu tư giúp người dân xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ) phát triển kinh tế rừng. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50% dân số của Quảng Ninh. Trong 60 năm xây dựng và phát triển, tỉnh luôn dành sự quan tâm rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc tập trung huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả những chương trình, đề án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, qua đó phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh.

Ngay sau khi thành lập, đầu năm 1964, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập cơ quan làm công tác dân tộc với tên gọi Ban Dân tộc-Miền núi, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Năm 1967, trên cơ sở toàn tỉnh xác định có 35 xã thuộc diện định canh định cư để ưu tiên hỗ trợ, Ban Dân tộc-Miền núi thành lập thêm Phòng Định canh Định cư để vận động, hướng dẫn, giúp đỡ và tổ chức đồng bào xây dựng cơ sở định canh định cư, ổn định sản xuất, đời sống.

Để nâng cao vị thế, cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động, năm 1968, Ban Dân tộc-Miền núi được tách ra, trở thành cơ quan độc lập, có trụ sở, tài khoản và con dấu riêng, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa trực tiếp triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc-miền núi trên địa bàn tỉnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 17/2/1989 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội miền núi, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung giao đất, giao rừng cho các hộ định canh, xem đây là giải pháp căn cơ, cốt lõi để người dân ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững, đồng thời bảo vệ và phát triển rừng.

Đến năm 2000, toàn vùng định canh định cư của tỉnh đã giao đất, giao rừng cho các hộ định canh gần 18.500ha, đạt 57%; bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh hơn 41.000ha rừng, đạt 93%; trồng rừng và cây ăn quả, cây đặc sản (quế, hồi…) đạt 5.300ha, đạt 38% so với các dự án đã phê duyệt…

Việc giao đất, giao rừng, giao đất khoán rừng đã tạo ra quyền tự chủ cho người dân trong sản xuất.

Vườn nho giống ngoại của gia đình anh Triệu Văn Chính (xã Tân Dân, thành phố Hạ Long) cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đến nay, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có nghị quyết riêng về công tác dân tộc.

Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đưa nghị quyết vào cuộc sống, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 17/1/2017 phê duyệt đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Đề án 196).

Trên cơ sở đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã bố trí hơn 1.776 tỷ đồng và hơn 397 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Đề án 196.

Việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai với sự tham gia giám sát của cộng đồng; có cơ chế để địa phương chủ động quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau khi được đầu tư hỗ trợ.

Sau 3 năm thực hiện Đề án 196, đến hết năm 2019, tất cả 22 xã, 11 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Không những thế, nhiều xã đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa ra khỏi đặc biệt khó khăn, vừa về đích chương trình xây dựng Nông thôn Mới.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,56%. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đạt gần 33 triệu đồng/năm, gấp 2,6 lần so với năm 2015.

Thành công lớn nhất của Đề án 196 chính là đã xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Trong đó, toàn tỉnh đã có 475 hộ nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Từ kết quả đã đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng-an ninh tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Sau 2 năm triển khai, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông như đường hết nối trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành (cũ), huyện Tiên Yên; đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng An, huyện Đầm Hà…

Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, đã tạo điều kiện để đời sống, việc làm, thu nhập của người dân được nâng lên.

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã đạt 54,4 triệu đồng/năm.

Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo, hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chuyển sang thực hiện chuẩn nghèo mới giai đoạn 2023-2025 gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương.

Kết quả này là động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc nhằm hoàn thành toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra./.

Theo: Vietnamplus.vn
Spread the love
Back To Top