Sau đó, khi cho ý kiến về nội dung này, UBTVQH đã xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của UBTVQH, không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến.

Thực tế, trên cơ sở ý kiến của đông đảo bạn đọc, Báo Quân đội nhân dân đã đăng tải bài “Kiểm định chung cư cũ” trên chuyên mục “Cùng bàn luận”, số ra ngày 24-3-2023, trong đó “mổ xẻ” rõ những bất cập nếu quy định cứng thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Luật Nhà ở. Do vậy, việc cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến này sẽ được đông đảo bạn đọc Báo Quân đội nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Ảnh minh họa/TTXVN. 

Tuy vậy, khi thảo luận về vấn đề này, trên diễn đàn Quốc hội sáng 19-6 cũng vẫn còn ý kiến khác nhau. Một vài đại biểu vẫn phát biểu đồng tình với quan điểm cho rằng cần quy định cứng thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo luật. Các đại biểu này cho rằng, quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong luật có hai cái lợi. Cái lợi thứ nhất là người mua nhà sẽ chỉ phải trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế, không phải trả tiền cho sở hữu vô thời hạn. Cái lợi thứ hai là khi hết thời hạn thì có thể phá dỡ ngay nhà chung cư mà không cần thỏa thuận với cư dân.

Luật hiện hành không cấm nhà đầu tư xây dựng và bán nhà chung cư có thời hạn. Thực tế đã có một số dự án xây dựng nhà chung cư bán theo hình thức quyền sở hữu nhà có thời hạn. Dù giá bán nhà chung cư loại này thấp hơn giá bán nhà chung cư sở hữu lâu dài nhưng nhà đầu tư cũng không thể bán nổi dẫn tới phải điều chỉnh sang quyền sở hữu lâu dài. Điều đó cho thấy, tâm lý và nhu cầu chung của hầu hết người mua nhà chung cư là tìm mua căn hộ có quyền sở hữu lâu dài, gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài.

Không cần quy định trong luật thì nhà đầu tư cũng vẫn có quyền sản xuất ra dòng sản phẩm căn hộ chung cư có quyền sở hữu trong thời hạn nhất định để kinh doanh. Hà cớ gì phải bàn cãi về những thứ vốn dĩ đã và đang tồn tại nhưng không được thực tiễn chấp nhận để cố đưa vào luật một cách khiên cưỡng?