Dòng vốn của các quỹ ETF lại có sự phân hóa

Ngược với xu hướng bán tháo khiến chỉ số VN-Index giảm gần 11% trong tháng 10/2023, dòng vốn của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lại có sự phân hóa, bất ngờ có tín hiệu khởi sắc trong nửa cuối tháng.

Dòng vốn của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lại có sự phân hóa, bất ngờ có tín hiệu khởi sắc trong nửa cuối tháng 10. Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN

Đồng thời, áp lực tỷ giá lên dòng vốn ngoại cũng phần nào dịu lại trong thời gian gần đây, kỳ vọng dòng vốn ngoại đảo chiều mua ròng mạnh hơn trong thời gian tới.

Trong báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 vừa qua đã kích hoạt dòng vốn của các quỹ ETF giải ngân vào thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Lực cầu bắt đáy đã bù đắp được lượng vốn rút ra, giúp tổng dòng vốn đảo chiều tăng nhẹ 243 tỷ đồng trong tháng 10, sau khi bị rút mạnh trong 2 tháng trước đó. Tính từ đầu năm, tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 526 tỷ đồng.
Cụ thể, ở chiều mua vào, SSI cho biết, quỹ Fubon bắt đầu mua ròng trở lại từ cuối tháng 9 và đẩy mạnh lực mua trong tháng 10 khi thị trường có những phiên giảm mạnh. Quỹ đã vào ròng 1.264 tỷ đồng trong tháng 10 sau khi bị rút ròng liên tục trong 4 tháng.
Bên cạnh đó, một số quỹ cũng ghi nhận giá trị vào ròng khiêm tốn như FTSE Vietnam (+134 tỷ đồng), iShares Frontiers EM (+224 tỷ đồng), DCVFM VNMidcap (+54 tỷ đồng), SSIAM VN30 (+20 tỷ đồng).
Trong khi đó, ở chiều bán ra, nổi bật có các quỹ DCVFM VNDiamond (-683 tỷ đồng), DCVFMVN30 (-247 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead (-192 tỷ đồng). Đây là nhóm quỹ chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, khi các quy định thắt chặt hơn về thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của nước này đã được công bố và có hiệu lực từ 1/1/2024.
Các chuyên gia của SSI duy trì quan điểm tích cực đối với dòng vốn ETF, tuy nhiên mức độ vào ròng sẽ không quá đột biến khi các biến số vĩ mô chưa có sự cải thiện rõ nét.
Theo SSI, một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ dòng tiền ETF như sau: Định giá ở một số thị trường như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cao và triển vọng không còn nhiều, do tăng trưởng lợi nhuận bị phụ thuộc nhiều vào nhóm ngành công nghệ.

Dòng tiền từ các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục cơ cấu nhằm hạn chế tác động của đạo luật mới về thuế. Tuy nhiên, một phần dòng tiền cá nhân rút ra có thể sẽ chuyển sang Chứng chỉ lưu ký (DR) hoặc các quỹ đầu tư từ Thái và do vậy vẫn có thể ghi nhận dòng tiền gián tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra còn một số yếu tố mùa vụ giúp dòng vốn ETF có thể khởi sắc trong thời gian tới, như dòng tiền ETF thường có xu hướng giải ngân mạnh hơn trong quý IV và quý I. Bất cứ nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường trong giai đoạn này sẽ kích hoạt dòng tiền ETF bắt đáy. Tuy vậy, dòng tiền giải ngân vào quỹ ETF vẫn có thể bị chịu ảnh hưởng bởi quán tính rút vốn từ các quỹ ETF thị trường đang phát triển.
Khác với sự khởi sắc của các quỹ ETF, xu hướng giao dịch từ các quỹ chủ động lại có phần thận trọng hơn trong tháng 10. Theo SSI, dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam thu hẹp cường độ rút ròng, khi rút 256 tỷ đồng trong tháng 10, chiếm khoảng 0,2% tổng tài sản quỹ. Tính trong 10 tháng của năm, dòng tiền từ các quỹ chủ động vào ròng khoảng 3.100 tỷ đồng.
Trong xu hướng đà rút ròng chậm lại, một số ít nhóm quỹ từ châu Á ghi nhận vào ròng nhẹ. Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý III mới công bố có kết quả không quá tích cực, khi các doanh nghiệp niêm yết chịu ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô không thuận lợi và khiến dòng vốn chủ động giải ngân khá thận trọng và phân hóa.
“Điểm tích cực là tỷ trọng phân bổ vào Việt Nam từ các quỹ chủ động đầu tư vào thị trường đang phát triển đang có xu hướng cải thiện, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về dài hạn”, chuyên gia của SSI nhận định. Đối với lo ngại về đà bán ròng của khối ngoại liên quan đến vấn đề tỷ giá, giới phân tích cho rằng áp lực này đang có xu hướng giảm bớt.
Báo cáo chuyển động thị trường tháng 11/2023 gửi nhà đầu tư của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết: Trong bối cảnh hiện tại, khi chỉ số DXY – đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt hạ nhiệt, khả năng Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng tiếp lãi suất trong kỳ họp tháng 12 tới không còn cao như dự báo trước đây, tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt theo. Từ đó, lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng giảm bớt.
Theo ACBS, loại trừ ảnh hưởng bán ròng từ nhóm cổ phiếu Vingroup (1.352 tỷ trong tuần cuối tháng 10) và MWG liên quan tới các vấn đề kỹ thuật, nhà đầu tư nước ngoài thực chất đã quay trở lại mua ròng kể từ giữa tháng 10.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cũng cho rằng, lo ngại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể thắt chặt đáng kể chính sách tiền tệ để bình ổn tỷ giá USD/VND, bao gồm cả khả năng tăng lãi suất, là yếu tố quan trọng nhất khiến thị trường lao dốc. Vì vậy, VinaCapital rất lạc quan khi thấy tỷ giá USD/VND tăng nhẹ gần đây.
Thực tế, tỷ giá USD/VND đã ổn định ở mức hiện tại trong nhiều tuần qua mà Ngân hàng Nhà nước không cần phải tăng lãi suất, cùng với việc đà tăng của USD dường như đã kết thúc. Đặc biệt, sau khi các chỉ số sản xuất công nghiệp và phi sản xuất của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp vào đầu tháng 11, VinaCapital tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong những tháng tới.
Các chuyên gia kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ giảm 3% vào cuối năm nay, nhờ được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng của thặng dư thương mại Việt Nam. Kỳ vọng này càng được củng cố bởi sự tăng giá khoảng 1% của VND trong vài ngày qua, đưa mức giảm giá so với đầu năm của VND trở lại 3%.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top