Nợ xấu gia tăng, liệu kết quả kinh doanh ngân hàng trong nửa cuối năm 2023 có lạc quan hơn?

Nguy cơ về nợ xấu gia tăng, áp lực trích lập dự phòng, sụt giảm các khoản thu dịch vụ… vẫn là những thách thức hiện hữu.

Tính đến thời điểm này, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng vẫn chưa chính thức được công bố.

Nguy cơ về nợ xấu gia tăng, áp lực trích lập dự phòng, sụt giảm các khoản thu dịch vụ… vẫn là những thách thức hiện hữu. Liệu có tín hiệu lạc quan nào cho kết quả ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2023?

Có 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2023. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, có 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2023 so với cùng kỳ, bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Cụ thể tại ACB, lợi nhuận trước thuế quý II dự báo đạt khoảng 4,4-4,7 nghìn tỷ đồng giảm từ 4-10% so với cùng kỳ, hoàn thành gần 50% kế hoạch đặt ra. Dù vậy, SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng quý này của ngân hàng sẽ phục hồi quanh mức 4,5-5% so với đầu năm trong khi tăng trưởng huy động có thể thấp hơn một chút, đạt mức 4%. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ thấp hơn mức 1% do ACB ưu tiên trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.
“Với việc tăng trưởng tín dụng tiếp tục xu hướng tích cực, biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản của ACB sẽ dần hồi phục trong nửa cuối năm 2023”, báo cáo của SSI viết.

Tương tự, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế tại Techcombank quý II đạt 5,5-5,8 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ; TPBank đạt 1,6-1,7 nghìn tỷ đồng giảm khoảng 25-21% so với cùng kỳ. Còn với VPBank, mặc dù ngân hàng mẹ có thể duy trì mức lợi nhuận tương đối tốt trong quý II nhưng SSI cho rằng kết quả kinh doanh hợp nhất sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động tài chính tiêu dùng vẫn còn nhiều thách thức.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng dự báo lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Trong đó, mức tăng trưởng dao động phổ biến trong khoảng từ 2-13% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Vietcombank được dự báo tăng trưởng lợi nhuận cao nhất với 38% so với cùng kỳ, đạt khoảng 10-10,3 nghìn tỷ đồng trước thuế trong quý.
Riêng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), dự báo lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ, đạt khoản 6 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, bối cảnh kinh tế khó khăn kéo theo nguy cơ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng gia tăng. Thêm vào đó, một số khoản nợ được cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ hoặc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp… tuy chưa phải nợ xấu theo quy định pháp luật hiện hành nhưng nguy cơ cao cũng sẽ chuyển thành nợ xấu.
Mặt khác, một số tranh chấp liên quan đến sản phẩm bảo hiểm phân phối qua ngân hàng (bancassurance) hoặc các đại lý khác có thể gây ảnh hưởng đến kết quả dịch vụ của các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm.
Cũng theo ông Cấn Văn Lực, nhiều ngân hàng huy động lãi suất dài hạn với lãi cao trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nên dù mặt bằng lãi suất cho vay và huy động hiện đã giảm nhưng NIM vẫn chịu áp lực giảm.
Nhận định chung về kết quả ngành ngân hàng trong cả năm 2023, ông Cấn Văn Lực dự báo lợi nhuận sẽ tăng khoảng 13-15%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân gần 35% trong năm trước.
Cùng quan điểm, bà Phạm Liên Hà – Giám đốc nghiên cứu ngành Dịch vụ Tài chính – Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập chi phí dự phòng là những thách thức lớn nhất đối với ngành ngân hàng trong nửa còn lại của năm 2023 và sang cả quý đầu năm 2024.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, bà Hà cho biết tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối quý I/2023 tăng lên gần 3%, tỷ lệ nợ xấu gộp gần 5%. Tuy nhiên, nợ cơ cấu vẫn sẽ có khả năng tăng lên do không ít khách hàng gặp khó khăn cần hỗ trợ của ngân hàng, áp lực lên trích lập dự phòng vì thế vẫn còn tương đối cao.
Thêm nữa, kênh bancassurance vốn đóng góp doanh thu phí khá lớn cho ngân hàng những năm qua thì nay cũng đã sụt giảm. Theo bà Hà, sự sụt giảm này là không thể tránh khỏi sau giai đoạn tăng nóng và có sai phạm trong kinh doanh bảo hiểm cũng như bán hàng. Đồng thời, sức mua và khả năng tài chính của khách hàng cũng giảm so với trước. Đây là một trong những thách thức đối với ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Trong khi đó, báo cáo triển vọng ngành ngân hàng của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại có cái nhìn lạc quan hơn khi kỳ vọng việc mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh thời gian qua sẽ tác động làm giảm dần lãi suất cho vay, giúp nền kinh tế phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.
BVSC nhận định dù đối mặt với những cơn gió ngược nhưng kết quả kinh doanh ngành ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng. Định giá cổ phiếu ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 nhờ nền kinh tế phục hồi.
Dựa trên nhóm cổ phiếu ngân hàng được phân tích và kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế, BVSC dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2023 và tăng khoảng 17,6% trong năm 2024.
Cũng chia sẻ kỳ vọng, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của HDBank cho rằng, nguy cơ nợ xấu có khả năng tăng lên, doanh nghiệp có thể không trụ được với dòng tiền của họ, một số công ty xuất khẩu không nhận được đơn hàng như trước… nhưng những điều khó khăn nhất đã bắt đầu qua đi và hy vọng các hoạt động kinh doanh sản xuất và kết quả kinh doanh ngân hàng sẽ lạc quan hơn trong 2 quý còn lại.
Tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 – 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Đồng thời, xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 – 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Từ đầu năm 2023, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Đến ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top