Bệnh tay chân miệng: Cha mẹ bình tĩnh, không phải cứ đưa trẻ lên tuyến trên là tốt nhất

Khi thấy trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chăm sóc và điều trị tại chỗ. Chỉ những trường hợp nặng, cơ sở y tế sẽ có hướng dẫn chuyển viện lên tuyến trên.

Không phải cứ mắc bệnh là chuyển lên tuyến trên

Là một trong những bệnh viện tuyến cuối, đang tiếp nhận điều trị số lượng lớn ca mắc tay chân miệng, BS.CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1cho biết, tình hình bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục gia tăng trong những tuần gần đây.

Hiện khoa Nhiễm đang có 140 ca điều trị nội trú, trong đó có 22 ca nặng. Mỗi ngày, có khoảng 50-60 ca xuất viện và cũng nhận số lượng tương đương ca mới nhập viện. Đây được xem là thời điểm đỉnh của dịch khi số ca nhập viện ở mức cao mỗi ngày.

BS.CKII Dư Tuấn Quy cho biết các ca nhập viện chủ yếu đến từ các tỉnh thành khác. Điều này nếu không được truyền thông rộng rãi, các ca bệnh đều về TP.HCM khám và điều trị dễ gây ra tình trạng quá tải.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện ở TP.HCM ngày càng đông

Theo bác sĩ, nhân lực y tế tuyến tỉnh, huyện ở các địa phương đều đã trải qua rất nhiều đợt dịch lớn từ năm 2011, 2012, 2018… Nhân viên y tế địa phương cũng được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như phác đồ điều trị, thuốc men, cơ sở thiết bị cũng đầy đủ do vậy bệnh viện tuyến huyện, tỉnh hoàn toàn có khả năng điều trị được các ca mắc ở mức độ nhẹ.

Do vậy, khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, BS.CKII Dư Tuấn Quy  khuyên phụ huynh nên đem trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chăm sóc và điều trị tại chỗ. 

“Đừng vì quá lo lắng, không để ý đến tình trạng của con mà bất chấp đưa lên TP.HCM. Điều này vô tình làm cho tình trạng của trẻ dễ chuyển nặng trong quá trình di chuyển. Nhiều trường hợp đã vào bệnh viện tuyến tỉnh khám và được chẩn đoán mắc tay chân miệng, thay vì cho nhập viện điều trị thì cha mẹ lại bắt xe đưa con lên thẳng TP.HCM”, BS.CKII Dư Tuấn Quy nói.

Trong quá trình di chuyển, phụ huynh không kịp chuẩn bị đầy đủ thuốc hạ sốt, thức ăn lỏng, sữa cho con. Trên đường đi trẻ không được ăn uống đủ, di chuyển chặng đường xa khi lên tới bệnh viện thành phố vì bị đói trẻ đã bị hạ đường huyết. Tình trạng này vô tình khiến cho trẻ chuyển nặng.

“Hãy nhìn vào đứa trẻ để làm, đừng vì sự lo lắng của bản thân hay quan điểm phải đưa lên bệnh viện lớn mà ảnh hưởng đến trẻ”, bác sĩ Quy nhấn mạnh.

Trẻ nghi mắc tay chân miệng được thăm khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1

Có dấu hiệu trở nặng, phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức

Không nóng vội, nhưng khi có dấu hiệu nghi ngờ con mắc tay chân miệng thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám ngay.

Ví dụ có một trường hợp trẻ mới nhập viện gần đây, phụ huynh khi thấy con sốt và giật mình liên tục, bám mẹ không rời. Dù hôm đó mưa rất lớn nhưng người mẹ vẫn nhất quyết đưa con tới bệnh viện giữa đêm. Ca này sau đó được nhận định là chuyển nặng, may mắn phụ huynh đưa con tới viện kịp thời.

Từ câu chuyện này, BS.CKII Dư Tuấn Quy muốn nhắn nhủ phụ huynh không nên quá lo lắng nhưng cũng không được ỷ lại. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi thấy con có những dấu hiệu trở nặng thì phải đưa tới bệnh viện ngay lập tức.

Ngoài ra, trong mùa dịch, cha mẹ cũng cần quan tâm, để ý đến con nhiều hơn. Mỗi lần con đi học, đi nhà trẻ về phụ huynh cần kiểm tra tay chân, nhiệt độ cơ thể để nếu con mắc bệnh thì có thể phát hiện sớm nhất. Người lớn cũng phải vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ khi đi làm về để không vô tình mang trùng gây bệnh lây cho trẻ.

Đặc biệt, với những nhà trẻ tự phát, người trông trẻ không được cập nhật, tập huấn kiến thức về nhận biết và phòng bệnh cho trẻ. Do vậy ngành y tế cũng nên quan tâm, phổ cập kiến thức phòng và nhận biết bệnh cho những nhà trẻ tư nhân.

PV
Theo: suckhoedoisong
Spread the love
Back To Top