Các bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện. Ảnh: TL 

*Tại Bình Thuận, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận gần 600 trường hợp mắc tay chân miệng.

Đáng lo ngại, số ca mắc có xu hướng tăng nhanh. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trung bình 4 -13 ca/tháng (trong 5 tháng đầu năm). Tuy nhiên, trong tháng 6 đã tăng vọt lên gấp nhiều lần (130 ca) và tháng 7 là 400 ca.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát ca bệnh tay chân miệng tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt tại các cơ sở điều trị tư nhân. Các đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, giám sát để phân vùng nguy cơ; chủ động triển khai các biện pháp can thiệp có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch; tổ chức tập huấn lại cho y tế các tuyến về công tác điều tra, giám sát, xử lý dịch…

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục tổ chức tốt việc khám, sàng lọc, thu dung và điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Ngành Y tế nhận định, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh tay chân miệng phát triển. Năm học mới sắp bắt đầu cũng là một trong những nguy cơ để bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, Sở Y tế Bình Thuận khuyến cáo, các bậc phụ huynh, người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh; vệ sinh tay kỹ cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và thường xuyên vệ sinh môi trường… Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, có những dấu hiệu nặng (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng), sốt cao liên tục, nôn nhiều, có nốt ban, bóng nước ở mặt, lòng bàn tay bàn chân… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng; thông báo cho địa phương nhằm kịp thời khoanh vùng ổ dịch và có các biện pháp xử lý y tế khác.