Ung thư do hút thuốc lá: Càng giảm phơi nhiễm với độc chất, nguy cơ càng thấp

Theo chuyên gia ung thư, với người hút thuốc lá, việc cai thuốc rất khó khăn, nên biện pháp đặt ra là giảm mức tiếp xúc với chất sinh ung thư, tức là giảm hàm lượng của các chất nguy hại.

                                                              Giáo sư David Khayat là bác sỹ ung thư danh tiếng hàng đầu ở Pháp và đã cống hiến cho sự nghiệp chống ung thư trong hơn 30 năm qua.

Kể từ những năm 1990 đến nay, thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, mặc dù chính phủ các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát như hút thuốc nơi công cộng, tăng giá, cấm quảng cáo…

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tổng số người hút thuốc lá trên thế giới cách đây 30 năm cho đến nay vẫn giữ nguyên ở mức 1 tỷ người.

Đây là những chia sẻ từ Giáo sư David Khayat, tác giả của các kế hoạch phòng chống ung thư quốc gia tại Pháp.

Giáo sư Khayat cũng cho biết có 2 cách để giảm nguy cơ xảy ra ung thư: loại bỏ hoàn toàn việc phơi nhiễm với độc chất gây ung thư, hoặc giảm càng nhiều và càng sớm càng tốt hàm lượng các độc chất.

Khói thuốc lá là nguy cơ gây ung thư hàng đầu

Theo Giáo sư Khayat, ung thư là bệnh xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm, gây ra bởi tình trạng tăng sinh không có kiểm soát và không có giới hạn của những tế bào bị đột biến. Những tế bào này bị đột biến là do con người tiếp xúc với các chất gây ung thư.

Nói về nguyên nhân, Giáo sư Khayat cho rằng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy chỉ có 5% ung thư là do di truyền, trong khi 95% nguyên nhân còn lại là do tiếp xúc với các chất gây ung thư.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500.000 người tử vong, trong đó 77% liên quan đến các bệnh không lây nhiễm (cao hơn so với mức chung của thế giới là 71%). Và trong số các ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, ung thư chiếm đến 20%.

Hút thuốc lá đứng đầu những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh không lây nhiễm, bên cạnh những thói quen xấu khác như ít vận động, ô nhiễm không khí trong nhà, các bệnh lý chuyển hóa, tăng huyết áp, ăn mặn…

Giáo sư David Khayat cho biết khi đốt cháy thuốc lá sẽ tạo ra khói, đáng lưu ý, trong khói thuốc lá có hơn 6.000 hóa chất, trong đó có 100 chất có nguy cơ gây hại (dẫn đến các bệnh về phổi, như hô hấp, tim mạch…), 80 chất trong số đó được xếp là những chất có khả năng sinh ung thư.

Cũng theo Giáo sư Khayat, nhiều người lầm tưởng nicotine gây ung thư, nhưng trên thực tế chất này không nằm trong danh sách các chất gây ung thư được các tổ chức chống ung thư đề cập.

Dù nicotine không phải là chất gây ung thư nhưng đây là chất gây nghiện. Sở dĩ người ta thích hút thuốc là bởi vì nicotine tạo ra cảm giác hưng phấn.

Từ 40 năm nay trên thế giới, để điều trị vấn đề nghiện nicotine, các bác sỹ đã cung cấp nicotine ở dạng tinh chất cho những người lệ thuộc nicotine.

“Như vậy, có thể thấy, người ta hút thuốc vì nicotine, nhưng lại chết vì khói thuốc,” Giáo sư Khayat nói thêm.

Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K, cũng công bố các số liệu về tác hại của khói thuốc. Theo thống kê ở châu Âu, hít khói thuốc gây ra khoảng 82% các trường hợp ung thư phổi.

Các độc chất trong khói thuốc cũng gây tổn thương hệ tim mạch, xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khoảng 25 đến 30%, tăng nguy cơ đột quỵ 20 đến 30%.

Ngoài ra, hít khói thuốc lá cũng gây các bệnh lý phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, loãng xương, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, và làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn…

Cần sớm loại bỏ hoặc giảm phơi nhiễm với các chất gây ung thư

Theo Giáo sư Khayat, phần lớn người mắc bệnh ung thư là do tiếp xúc nhiều với các chất sinh ung thư trong một thời gian dài. Do đó, để giảm nguy cơ gây ung thư, theo ông, cách thứ nhất là loại bỏ hoàn toàn việc tiếp xúc, cách thứ hai là giảm phơi nhiễm với các chất này.

“Đối với nhiều người hút thuốc lá, việc cai thuốc rất khó khăn, nên việc loại bỏ hoàn toàn các chất sinh ung thư là không thành công với họ. Vì vậy, cần phải đi đến biện pháp thứ hai là giảm mức tiếp xúc với chất sinh ung thư, tức là giảm hàm lượng của các chất nguy hại,” Giáo sư Khayat nhận định.

Từ nhu cầu cần phải có các giải pháp giảm tác hại cho những người hút thuốc lá không thể cai, Giáo sư Khayat cho biết hiện có các sản phẩm thuốc lá mới, trong đó có thuốc lá làm nóng được thẩm định khoa học về khả năng giảm phơi nhiễm từ chính phủ các nước như Anh, Mỹ, Nhật Bản và được sử dụng ở các nước này.

Từ những nghiên cứu độc lập, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kết luận “sử dụng thuốc lá làm nóng không có hiện tượng đốt cháy thuốc lá.” Cơ quan này đã xếp thuốc lá làm nóng vào nhóm sản phẩm thuốc lá giảm nguy cơ.

Bên cạnh Giáo sư Khayat, Tiến sỹ, Bác sỹ Hiroya Kumamaru, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản cũng từng đề cập đến khả năng giảm phơi nhiễm với các chất độc hại của thuốc lá làm nóng.

Tiến sỹ Kumamaru cho biết trước, trong và sau khi hợp pháp hóa thuốc lá làm nóng, thì Bộ Y tế và các tổ chức y tế công cộng Nhật Bản đã triển khai nhiều nghiên cứu để đo lường tác động của các sản phẩm này trong việc giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người dùng.

Theo đó, Viện Y tế Công cộng Quốc gia (NIPH) đã nghiên cứu và kết luận: “Hàm lượng nicotine từ thuốc lá làm nóng gần bằng mức của thuốc lá điếu, hàm lượng nitrosamine và carbon monoxide (các tác nhân gây ung thư) của thuốc lá làm nóng lần lượt bằng 1/5 và 1/100 so với thuốc lá điếu.”

Về phía các chuyên gia trong nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Từ thực tiễn và kinh nghiệm, tôi thấy rằng nếu bệnh nhân COPD hay tim mạch, ung thư mà ngưng được thuốc lá thì sẽ rất tốt, đó luôn là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Nhưng nếu không thể cai, có thể cân nhắc chuyển họ sang giải pháp giảm tác hại”./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top