Pulisic đến Milan: Đội trưởng Mỹ bước ra từ một căn hầm

Chia tay Chelsea, Pulisic gia nhập Milan để mở ra trang mới trong sự nghiệp bóng đá. Tài năng của “đội trưởng Mỹ” được hình thành trong một căn hầm.

Giống như huyền thoại quần vợt Andre Agassi, Christian Pulisic lớn lên dưới áp lực rất lớn từ người cha, với những bài tập thể thao căng thẳng lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Nhưng có điểm khác với Agassi – luôn buồn bã và gắt gỏng với cây vợt trong tay khi bị cha buộc phải đánh trả 300 quả bóng qua lưới mỗi ngày – Pulisic đối mặt với bài tập bằng ánh mắt háo hức.

Pulisic gia nhập Milan

Cậu bé vàng của nước Mỹ đứng trước mặt cha mình trong tầng hầm và đá. 1, 2,… 10,… 20 lần… Cứ như vậy, mỗi cú đá là sự phấn khích tuổi trẻ.

Christian đưa bóng vào tay Mark Pulisic, người cha kiêm HLV đầu tiên trong cuộc đời, một cựu tiền đạo khá nổi tiếng ở Mỹ.

Đó là cách Christian tận hưởng, đá bóng với bố dưới tầng hầm một ngôi nhà nhỏ có mái hiên ở Pennsylvania, dưới ánh mắt thích thú của mẹ Kelley, cũng là cựu cầu thủ bóng đá.

Pulisic lớn lên với trái bóng dưới chân, và ở tuổi 24, anh trải qua nhiều cuộc phiêu lưu. Ở tuổi 17, anh là tài năng được cả châu Âu chú ý với nhiều cột mốc trong lịch sử Borussia Dortmund.

Từ Dortmund đến Chelsea, nơi diễn ra nhiều thăng trầm, Pulisic chuẩn bị khoác áo CLB thứ ba ở châu Âu: AC Milan. Những nơi anh đến đều là các đội bóng từng vô địch Champions League (bản thân anh nâng cao danh hiệu này mùa 2020-21, nhưng đóng góp không lớn).

Người hâm mộ Mỹ chưa quên được giọt nước mắt của Pulisic năm 2017, khi đội nhà bị Trinidad & Tobago loại khỏi cuộc đua giành vé đi World Cup ở Nga.

Năm 2022, anh nổi bật khi dẫn dắt thế hệ Z của Mỹ vào vòng 1/8 kỳ World Cup tại Qatar.

Tài năng và ám ảnh

Pulisic chơi bóng như thể anh mắc nợ môn thể thao này, với nỗi ám ảnh chiến thắng của người cha. Ở quê nhà Pennsylvania, mọi người từ lâu vẫn gọi anh là “Special Boy” (cậu bé đặc biệt).

Pulisic lớn lên với những bài tập cùng người cha

Nếu có một ai hiểu về Pulisic nhất, thì đó là Steve Klein – chuyên gia đào tạo trẻ của bóng đá Mỹ.

Klein chứng kiến ​​Pulisic trưởng thành trong đội trẻ PA Classics, một trong nhiều chi nhánh của Học viện Phát triển Bóng đá Mỹ.

Cho đến năm 2007, con đường của các cầu thủ bóng đá cũng giống như con đường của các môn thể thao phổ biến khác: trung học, đại học rồi tiếp đó là chế độ quân dịch. Hầu hết trong số họ bước vào tuổi 20 xem như đã hết thời.

Vì vậy, những người làm bóng đá ở Mỹ thay đổi bằng cách thiết lập mô hình hóa các nhóm thanh thiếu niên theo phương pháp châu Âu. Năm 2016, các đội tuyển quốc gia từ U14 đến U20 ra đời, giới thiệu thế hệ cầu thủ mới.

Pulisic là một trong số nhân tài thế hệ mới này, với sự tiến bộ vượt trội nhờ Klein. “Giữa chúng tôi mọi thứ rất đơn giản. Mỗi lần đến gặp tôi hoặc vợ tôi, Christian luôn yêu cầu chúng tôi chơi với cậu ấy. Chúng tôi cùng tập các bài chuyền cho nhau”.

Thế giới của Christian mở ra với ba từ khóa: “Tài năng, ám ảnh, cải tiến”. Steve Klein huấn luyện Pulisic trong giai đoạn từ lúc 9 đến 15 tuổi.

“Tôi biết cha cậu ấy rất rõ. Có thể nói rằng tôi đã chứng kiến ​​Christian trưởng thành từ khi cậu ấy còn nhỏ”, Klein giải thích. “Tôi thường đến thăm bố mẹ cậu ấy ở nhà của họ”.

Hành trình châu Âu

Trước khi được đào tạo ở PA Classics, Pulisic từng có thời gian ngắn học bóng đá tại Anh.

“Năm 2005, mẹ của Christian giành được học bổng để nghiên cứu ở Anh, gần Oxford, vì vậy cậu ấy tham gia học viện Brackley Town trong một năm”, Klein kể lại. Chính nền tảng này giúp ích cho anh rất nhiều để phát triển kỹ năng và tư duy, để sau đó thành công ở châu Âu từ khi còn rất trẻ.

Ở tuổi 24, Pulisic là thủ lĩnh của đội tuyển Mỹ

Klein ví von về tài năng của Pulisic: “Không cần phải nói, người như thế này là sao chổi cứ 30 năm mới lại bay qua một lần. Cậu ấy luôn là người trẻ nhất trong đội. Ở tuổi 15, Christian đã chơi cho đội U17”.

Là một người có thiên hướng tấn công, Pulisic đá mọi vị trí: tiền đạo, cầu thủ chạy cánh, tiền vệ công. Anh sở hữu kỹ năng rê bóng đặc biệt.

Pulisic sớm nổi tiếng thế giới nhờ các trận đấu với U17 Mỹ (34 trận, 20 bàn). Bước ngoặt xuất hiện từ những chuyến đi châu Âu.

“Chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ khi đội U17 thi đấu, trên khán đài có các tuyển trạch viên từ khắp nơi trên thế giới”, Klein nhớ lại. “Pulisic đã chơi tuyệt vời, khiến khán giả mê mẩn với những pha bóng. Mọi người há hốc mồm”.

Trên hết, các tuyển trạch viên của Dortmund, những người đến Bosporus (eo biển chia cắt phần châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ với phần thuộc châu Á) để xem Pusilic cùng một cầu thủ khác, chẳng hạn như Haji Wright (hiện khoác áo Antalyaspor; Thổ Nhĩ Kỳ). Bản hợp đồng được ký ngay lập tức.

“Christian là tuyên ngôn của một phong trào, là lá cờ của bóng đá Mỹ”, Klein vẫn dõi theo bước chân Pulisic, người hiện được gọi là “Capitan America”. Ông dự đoán khi anh chuyển đến Italy: “Cậu ấy không cảm thấy áp lực, không bị phân tâm. Milan thực hiện một thương vụ bước ngoặt”.

“Chơi hết mình” là khẩu hiệu của Pulisic khi tập luyện và thi đấu. Tất cả được hình thành trong một tầng hầm ở Pennsylvania.

T/h
Spread the love
Back To Top