Kích thích tiêu dùng – Giải pháp duy nhất để thúc đẩy kinh tế Trung Quốc?

Trong nửa đầu năm nay, chi tiêu tiêu dùng đã đóng góp tới 77,2% cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa trong siêu thị ở Anshun, tỉnh Qúy Châu, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Trong bài viết trên trang thinkchina.sg, học giả Trung Quốc Han Heyuan lưu ý rằng sau đại dịch COVID-19, thu nhập sau thuế tại Trung Quốc không ở mức cho phép người tiêu dùng trong nước chi tiêu nhiều hơn, từ đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế bị cản trở. Ngoài ra, tâm lý của người Trung Quốc là tiết kiệm thay vì chi tiêu, điều này khiến việc khuyến khích nhu cầu trong nước trở nên thách thức hơn.

Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu tiêu dùng và khuyến khích tối ưu hóa cung cầu. Gần đây, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia đã đưa ra 20 biện pháp – một kế hoạch toàn diện nhằm thúc đẩy tiêu dùng ô tô, đồ nội thất, đồ gia dụng, du lịch, ăn uống, giải trí và triển lãm, cũng như các sản phẩm kỹ thuật số. Kế hoạch này trình bày chi tiết các khía cạnh từ cung đến cầu, xem xét các mô hình dịch vụ, cơ sở vật chất hỗ trợ, hỗ trợ tài chính và đổi mới sản phẩm.
Một số nhà bình luận đã ủng hộ các chính sách này. Ông Cai Fang – cựu Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) và là thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) – lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào giai đoạn “bình thường mới” hậu đại dịch, đảm bảo những cách tiếp cận mới đối với chính sách kinh tế vĩ mô của nước này bằng việc thiết kế lại tiêu dùng là mục tiêu mới.

Ông Cai Fang lưu ý rằng ngay cả trước đại dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc cũng đã trở thành một nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng. Trong nửa đầu năm nay, chi tiêu tiêu dùng cuối cùng đã đóng góp tới 77,2% cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ông cho rằng đại dịch COVID-19 phần nào đã phá hỏng xu hướng này và tiêu dùng đình trệ đã trở thành trở ngại chính cản trở sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Bởi vậy, cần phải chuyển mục tiêu của chính sách kích thích kinh tế vĩ mô của Trung Quốc từ đầu tư sang tiêu dùng để trực tiếp giải quyết những trở ngại và thiếu sót của nền kinh tế thực.
*Kích thích tiêu dùng là cách duy nhất?
Nhưng không phải tất cả mọi người đều nhất trí với quan điểm của ông Cai Fang.  Gần đây, cựu Phó Chủ tịch Đại học Nhân dân Trung Quốc – chuyên gia kinh tế Wu Xiaoqiu đã phát biểu với giới truyền thông rằng: không nên nghĩ đến việc sử dụng nhu cầu trong nước để thay thế nhu cầu bên ngoài. Mặc dù cần phải mở rộng nhu cầu trong nước, nhưng điều này không thể hoàn thành chỉ bằng cách kích thích, vì nhu cầu trong nước không thể thay thế nhu cầu bên ngoài.
Theo ông Wu Xiaoqiu, có một số điều kiện tiên quyết để tăng nhu cầu trong nước: Thứ nhất, tỷ lệ việc làm cao – những người chịu áp lực việc làm lớn và lo ngại mất việc làm sẽ ít chi tiêu hơn. Thứ hai là thu nhập tăng. Và thứ ba là một hệ thống an sinh xã hội mạnh mẽ và hiệu quả. Nếu không có một hệ thống như vậy, thì dù người dân có tiền, sẽ là không thực tế nếu họ chi tiêu một cách vội vàng, bởi vì họ sẽ cảm thấy bất hạnh nếu bị ốm và phải nhập viện.
Ông Wu Xiaoqiu tin rằng sẽ là thiếu hiệu quả nếu thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình một cách mạnh mẽ khi ba điều kiện tiên quyết chưa được đáp ứng. Ông cho biết: “Tôi có quan điểm khác với một số học giả. Họ thường đề xuất phát tiền hoặc phiếu giảm giá tiêu dùng, nhưng theo quan điểm của tôi, đây không phải là cách hành động tốt nhất”.
*Sản xuất đang bỏ xa nhu cầu
Nói một cách đơn giản, đối với ông Wu Xiaoqiu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua mở rộng tiêu dùng là không hiệu quả và không bền vững trong hoàn cảnh hiện nay. Ông Han Heyuan đồng ý với quan điểm của ông Wu Xiaoqiu. Trong một bài viết cách đây nhiều năm, ông đã đưa ra một lập luận tương tự: “Khi Mỹ tìm ra được giải pháp cho tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống tài chính của mình, thì những vấn đề cơ bản của nước này sẽ biến mất. Tuy nhiên, Trung Quốc không may mắn như vậy vì nước này cần thị trường trong nước khi kênh xuất khẩu bị đóng lại. Châu Âu và Mỹ cần thời gian. Trung Quốc lại không có nhiều thời gian như vậy vì việc tạo ra một thị trường trong nước có thể phù hợp với năng lực sản xuất hiện tại là một nhiệm vụ quá lớn”.
Hiện nay, sự phát triển của Trung Quốc vẫn còn quá tập trung vào đầu tư và xuất khẩu, và thiếu trầm trọng nhu cầu trong nước, dẫn đến một số câu hỏi. Tại sao kích cầu trong nước lại khó đến như vậy? Câu trả lời là thiếu hệ thống an sinh xã hội và thu nhập sau thuế tăng chậm.
Khi một quốc gia thiếu một hệ thống an ninh xã hội khỏe mạnh và thu nhập sau thuế của người dân tăng quá chậm, họ sẽ nảy sinh tư duy tiết kiệm phòng khi gặp khó khăn. Chi phí nhà ở, giáo dục và y tế, cũng như tiết kiệm đề phòng tình huống khẩn cấp, sẽ chi phối cơ cấu và hành vi tiêu dùng cũng như đầu tư của người dân, từ đó sẽ tiếp tục làm giảm hơn nữa chi tiêu hàng ngày. Điều này chắc chắn dẫn tới nhu cầu trong nước không đủ và sự biến dạng hơn nữa của cơ cấu công nghiệp.
* Chuyển trọng tâm sang tiêu dùng
Để giải quyết căn bản cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc, trọng tâm tăng trưởng kinh tế phải được chuyển sang tiêu dùng, và chìa khóa để đạt được điều này nằm ở việc thiết lập và cải thiện hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn diện không phải là điều có thể nhanh chóng đạt được.
Thật vậy, việc thiết lập và cải thiện hệ thống an sinh xã hội là vấn đề lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi “lợi tức” nhân khẩu học đang giảm đi. Dựa trên cấu trúc dân số hiện nay của Trung Quốc, trong khoảng một thập kỷ tới, cấu trúc hỗ trợ của hệ thống an sinh xã hội sẽ nhanh chóng chuyển từ mức trung bình hiện nay là ba người chăm sóc cho một người sang hai người chăm sóc cho một người. Làm thế nào mọi người có thể cảm thấy an toàn về tài chính?
Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng cách tăng năng suất lao động dựa trên những tiến bộ về công nghệ và cải thiện hiệu quả phân bổ, điều này lại liên quan đến khía cạnh thể chế của phía cung. Do đó vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc là ở phía cung, vốn đòi hỏi phải có kế hoạch thể chế chuyên sâu và sự điều chỉnh dài hạn đối với các nhân tố như lực lượng lao động, vốn, công nghệ và quy định của Trung Quốc./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top