Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng các nước thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa nhóm họp trong hai ngày 17 và 18-7 ở TP Gandhinagar của Ấn Độ, đất nước hiện là chủ tịch luân phiên của G20. 

Đây là hội nghị lần thứ 3 của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên G20 trong nhiệm kỳ chủ tịch nhóm hiện nay của Ấn Độ, chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay vào tháng 10 tới.

Ấn Độ đề ra chương trình nghị sự rất đồ sộ cho cuộc gặp này. Nhìn vào đó đủ để thấy chính trị và kinh tế, tài chính và thương mại thế giới đang ở trong tình trạng nào, thấy khủng hoảng ở đâu và những vấn đề cấp thiết cần được giải quyết. T

rong đó đương nhiên không thể thiếu những vấn đề như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy lùi lạm phát, bảo đảm an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu trái đất, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường tự do hóa thương mại, đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương…

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman (trái) trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Shaktikanta Das sau cuộc họp báo tại cuộc họp G20 hôm 18-7 Ảnh: REUTERS

Ấn Độ đặc biệt coi trọng vấn đề an ninh lương thực, giải quyết nợ ở các quốc gia nghèo và chậm phát triển, thực hiện những chương trình tài chính và tín dụng hậu thuẫn cho các nước nghèo và chậm phát triển. 

Có thể thấy qua đó, chủ định của Ấn Độ tận dụng cương vị chủ tịch đương nhiệm luân phiên của G20 để tăng cường vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới cũng như để được công nhận và chấp nhận là đại diện cho lợi ích của các nước thuộc “phía Nam” trong trục quan hệ Bắc – Nam.

Tiếc rằng kết quả của hội nghị này không được như ước vọng của Ấn Độ khi hội nghị không thông qua được tuyên bố chung mà chỉ có được tuyên bố của chủ tịch hội nghị. 

Lý do là không có sự đồng thuận quan điểm giữa tất cả thành viên về Nga nói riêng và về cuộc xung đột ở Ukraine nói chung. Những gì được thể hiện trong 26 điểm nội dung của bản tuyên bố của chủ tịch hội nghị chỉ chung chung chứ không cụ thể và có bao hàm kết quả nhỏ trên một số lĩnh vực. 

Điều này cho thấy G20 không giậm chân tại chỗ mà có tiến bước nhưng chưa đi được xa thêm nhiều so với thời gian Indonesia làm chủ tịch luân phiên đương nhiệm trước đó; đồng thời báo hiệu điềm chẳng tốt lành gì cho triển vọng thành công của cuộc gặp cấp cao sắp tới của nhóm.

Cùng với bất đồng giữa các thành viên G20 về Nga và về cuộc xung đột ở Ukraine còn có sự phân rẽ trong nội bộ về việc những thành viên phương Tây chủ trương chính trị hóa G20, biến nhóm này thành khuôn khổ diễn đàn đa phương để đề cập, bàn thảo và xử lý cả những vấn đề chính trị và an ninh thế giới. Đáng chú ý, sự phân rẽ này có dấu hiệu trầm trọng hơn chứ không giảm đi.