Thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ chưa bao giờ báo hiệu suy thoái trong thời gian dài như vậy

Thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ đã không liên tục đưa ra cảnh báo suy thoái trong thời gian dài như vậy trong ít nhất sáu thập kỷ qua.
Thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ chưa bao giờ báo hiệu suy thoái trong thời gian dài như vậy

Có thể có sự lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã sẵn sàng lèo lái nền kinh tế hướng tới một cuộc hạ cánh mềm. Nhưng trong 212 ngày giao dịch liên tiếp, thị trường Trái phiếu Kho bạc Mỹ đã đưa ra một thông điệp hoàn toàn khác: Nền kinh tế đang hướng tới sự suy thoái, vì lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đang thấp hơn kỳ hạn 3 tháng.

Sự đảo ngược như vậy đã báo hiệu 8 cuộc suy thoái vừa qua. Vào thứ Năm (14/9), số ngày mà đường cong lợi suất đảo ngược đã vượt qua kỷ lục năm 1980 và trở thành thời gian mà đường cong lợi suất đảo ngược kéo dài nhất kể từ năm 1962.

Sự khác biệt rõ ràng giữa cảnh báo của thị trường và nền kinh tế kiên cường đáng kinh ngạc cho thấy mức độ bất ổn vẫn tồn tại kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ kể từ tháng 3/2022.

Vào tháng 10, khi đường cong lợi suất giữa trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 3 tháng và 10 năm đảo ngược, đại đa số các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát đều dự đoán một cuộc suy thoái sẽ xảy ra trong năm nay. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Phillip Wool, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Rayliant Global Advisors cho biết: “Chu kỳ này là một chu kỳ kỳ lạ, bởi vì khi đường cong lợi suất đảo ngược ban đầu, hầu hết mọi người đều cho rằng chúng ta đang trên bờ vực suy thoái. Sức mạnh đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ khiến khả năng hạ cánh mềm cao hơn nhiều so với một năm trước. Nhưng điều này không đảm bảo rằng suy thoái sẽ không xảy ra”.

Số ngày mà đường cong lợi suất đảo ngược trong các chu kỳ ảnh 1

Số ngày mà đường cong lợi suất đảo ngược trong các chu kỳ

Sự đảo ngược của đường cong lợi suất là dấu hiệu hàng đầu cho thấy sự suy giảm kinh tế vì chỉ báo này cho thấy sự kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách trong tương lai để vực dậy tăng trưởng. Nhưng tín hiệu đó có thể bị bóp méo bởi quy mô thắt chặt của Fed cho đến nay, điều này đã đẩy lãi suất ngắn hạn của Fed tăng hơn 5 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1980.

Vì vậy, mặc dù Fed có thể nới lỏng chính sách vào năm tới, nhưng có thể là do các nhà hoạch định chính sách phản ứng với lạm phát thấp hơn, thay vì nhu cầu chống lại suy thoái kinh tế. Trên thực tế, thị trường tương lai đang kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ ở mức khoảng 4,4% vào cuối năm 2024, cao hơn nhiều so với mức 2,5% mà các nhà hoạch định chính sách thường xem là mức trung lập với tăng trưởng. Trong thời kỳ suy thoái, các ngân hàng trung ương thường cắt giảm lãi suất xuống dưới mức trung lập.

Tuy nhiên, đường cong lợi suất đảo ngược có thể là một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Điều đó một phần là do thành công của chỉ báo này trong quá khứ có thể khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, vì xem đó là một yếu tố dự báo chính xác về những rắc rối sắp tới.

Nó cũng tác động đến hệ thống tín dụng bằng cách khiến các ngân hàng có ít động lực hơn để gia hạn các khoản vay vì họ đi vay với lãi suất ngắn hạn và cho vay với lãi suất dài hạn. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, gần đây, hiệu suất từ danh mục đầu tư được phân bổ với tỷ lệ 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu lại thấp hơn so với việc chỉ đầu tư vào tín phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng.

Bill Gross, cựu giám đốc đầu tư của Pacific Investment Management Co. cho biết: “Một nền kinh tế dựa vào tài chính phát triển mạnh không thể hoạt động tốt nếu các khoản đầu tư có rủi ro thấp mang lại lợi nhuận cao hơn các khoản đầu tư có rủi ro cao”.

Trong khi một số nhà dự báo, bao gồm cả Goldman Sachs đã loại bỏ khả năng xảy ra suy thoái, nhiều người vẫn mong đợi điều đó xảy ra. Các nhà dự báo mà Bloomberg khảo sát đã đưa ra xác suất là 60%, hầu hết đều cho rằng suy thoái sẽ xảy ra vào năm tới.

Hơn nữa, đường cong lợi suất đôi khi đảo ngược rất lâu trước khi nền kinh tế thực sự thu hẹp. Vào tháng 7/2006, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm bắt đầu liên tục duy trì dưới lãi suất kỳ hạn 3 tháng, nhưng sự suy thoái chỉ bắt đầu vào tháng 12/2007. Khi đó, Fed đã cắt giảm lãi suất và lợi suất trái phiếu dài hạn đã quay lại cao hơn so với lợi suất trái phiếu ngắn hạn.

Campbell Harvey, nhà kinh tế học của Duke University – người đi tiên phong trong việc sử dụng đường cong lợi suất làm chỉ báo suy thoái – cho biết khả năng dự đoán của chỉ báo này vẫn còn nguyên vẹn.

Thống kê của ông cho thấy đường cong lợi suất đã bị đảo ngược trong khoảng thời gian 15 tháng trước cuộc suy thoái bắt đầu vào cuối năm 2007 và 18 tháng trước cuộc suy thoái vào những năm 1980.

“Các đường cong lợi suất đảo ngược đã dự báo 8 trong số 8 cuộc suy thoái gần đây nhất – không hề có tín hiệu sai lầm nào”, ông cho biết.

Theo: tinnhanhchungkhoan
Spread the love
Back To Top