Pháp và Đức bất đồng về cải cách quy tắc tài khóa của EU

Pháp và Đức đã có những bất đồng về cải cách quy tắc tài khóa của Liên minh châu Âu (EU) và hai nước đều tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính phủ châu Âu khác.

Biểu tượng đồng tiền chung euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Pháp và Đức đã có những bất đồng về cải cách quy tắc tài khóa của Liên minh châu Âu (EU) và hai nước đều tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính phủ châu Âu khác trong một cuộc tranh luận khó có thể được giải quyết trước cuối năm nay.

Các quy tắc này, được gọi là Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, nhằm mục đích ngăn chặn việc vay mượn quá mức của các chính phủ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, nợ công gia tăng do đại dịch COVID-19 và sau đó là cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã buộc EU phải sửa đổi toàn bộ khuôn khổ vì các quy tắc cũ trở nên không thực tế.

Trọng tâm của cuộc tranh luận này là liệu có nên có các tiêu chuẩn bằng số và các quy tắc tự động cho tất cả các khoản giảm nợ hàng năm hay không, hay mỗi quốc gia có nên đàm phán riêng về việc cắt giảm nợ của mình với Ủy ban châu Âu (EC) hay không.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chia sẻ: “trước đây, chúng ta đã cố gắng đưa ra các quy tắc tự động và thống nhất nhưng điều đó đã dẫn đến suy thoái và khó khăn kinh tế, sản lượng và tăng trưởng sụt giảm ở châu Âu”.

Trong khi đó, người đồng cấp Đức Christian Lindner có quan điểm ngược lại. Ông Lindner cho rằng các quy tắc tự động là rất ổn và cần thiết, các nước cần được đối xử bình đẳng, cần các tiêu chuẩn bằng số và cần một biện pháp bảo vệ chung và không mất quá nhiều thời gian để EC đàm phán song phương với các quốc gia thành viên.
Ông Linder bày tỏ không riêng Đức mà nhiều quốc gia thành viên thích các tiêu chuẩn được quy định bằng số hơn.

Các quy tắc hiện hành – yêu cầu các chính phủ phải cắt giảm nợ hàng năm khoảng 1/20 của số nợ vượt quá 60% GDP – hiện đang bị tạm ngừng cho đến cuối năm nay, nhưng sẽ có hiệu lực trở lại từ năm 2024 trừ khi các quy tắc mới được nhất trí vào thời điểm đó.

Ông Le Maire cũng bày tỏ hy vọng các nước có thể đạt được thỏa thuận về các quy tắc mới của Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng trước cuối năm 2023./.

Theo: Bnews
Spread the love
Back To Top